Suy nghĩ





Cái nút áo

Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi.

Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn 4g sáng. Tôi đến bên máy vi tính bật máy lên. Mở chương trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy nghĩ về một ngày đã qua. Nhưng chương trình lại bật lên thông báo nhấp nháy màu đỏ chói: "Tuần sau là đến ngày đầu tiên quen M". Tôi chỉnh chương trình để xem lại cái ngày đầu tiên đó và mỉm cười khi thấy lúc đó mình trẻ con hết sức.

Tôi quyết định sẽ lục tung hết Internet để tìm ra một cái thiệp độc chiêu gửi nàng. Cuối cùng tôi cũng mãn nguyện với một cái thiệp nhiều ý nghĩa. Tôi kéo ngăn tủ ra để lấy cái đĩa CD hình mình để ghép vào thiệp, nhưng chợt nhìn thấy trong đó có một gói quà xinh xắn. Biết là của M tôi hồi hộp mở gói quà. Bên trên là một tấm thiệp to, còn bên dưới là một chiếc đồng hồ để bàn rất dễ thương và một cái nút áo. Hơi ngạc nhiên khi nhìn cái nút áo, tôi vội mở thiệp ra xem.

"Anh thân mến!

Thế là chúng mình quen nhau đã 3 năm rồi. Trong 3 năm qua em rất vui vì đã quen được anh. Em đã học được rất nhiều điều từ anh.

Anh là người rất giỏi, làm được rất nhiều việc lại sống rất tốt với mọi người. Anh sống hết sức chan hoà không câu nệ giàu nghèo, chức vị. Anh hết lòng với mọi người và được rất nhiều anh em bè bạn mến yêu, kính nể.

Tối nay, cũng như bao ngày em đến nhà anh, đã 9g tối anh vẫn chưa về nhà. Khi đến nhà anh, em nhìn thấy mẹ đang khâu lại chiếc áo bị bỏng thuốc lá của anh. Nhìn mẹ chợt em nhớ đến anh, rồi nhớ đến những gì em đã thấy ở nhà anh.

Em xin phép được tặng cho anh cái đồng hồ với lời nhắn: "Thời gian luôn trôi đi lạnh lùng. Có những thứ ngày mai làm được, nhưng có những thứ ngày mai không thể nào làm được".

Và một cái nút áo với lời nhắn chân tình: "Đôi khi người ta biết được rất nhiều điều nhưng lại không biết một điều đơn giản là áo mình đang mặc có bao nhiêu cái nút!". Anh đã sống vì mọi người nhưng trong mọi người lại thiếu một người quan trọng nhất. Anh hãy xem tờ giấy bên dưới. Chúc anh luôn vui vẻ và thành đạt". 


Tôi cầm đồng hồ và cái nút lên, bên dưới có một tờ giấy xếp làm tư nằm ngay ngắn, tôi mở ra xem và thấy ngẩn ngơ với những dòng chữ dưới đây:

Em thấy anh rủ bạn về nhà cùng vui vẻ, làm xả láng mấy thùng Ken, anh em bàn tán chuyện đời, chuyện cơ quan, chuyện nhà sếp, chuyện quan trường, đủ thứ chuyện nhậu hoài bàn hổng hết.

Em thấy mẹ cặm cụi dọn dẹp thức ăn dư, lom khom nhặt từng vỏ lon xếp lại, sáng mai ra chợ đổi lấy chục chanh pha nước, cho thằng con tỉnh rượu mỗi khi say.

Em thấy anh sáng ra sạp gom gần hết báo, đọc ngấu nghiến từng bài từng mục. Ngẫm chuyện đời, chuyện quan liêu, chuyện cửa quyền, chuyện Mỹ, chuyện I rắc, chuyện SEA Games...

Em thấy mẹ cẩn thận sắp từng tờ báo, lựa riêng ra những phần quảng cáo rồi ngập ngừng hỏi cái này cân ký bán được hông con?

Em thấy anh chơi hết lòng với bạn, chẳng bỏ về dù tăng 4 hay tăng 3...

Em thấy mẹ cứ trằn trọc ra vô mãi, 2g rồi mà phòng nó vắng tanh

Em thấy anh sau một ngày làm mệt mỏi, về nhà bật máy lạnh, bật quạt, ngã lưng nằm thẳng chân, chẳng muộn phiền.

Em thấy mẹ ra hiên nằm những ngày trời nóng, rồi lẩm bẩm xem điện tháng này có quá định mức chưa.

Em thấy anh ghiền chơi vi tính, cứ băn khoăn hoài chuyện nâng cấp CPU lên 2 hay 3 Gb.

Em thấy mẹ rất ghiền xem cải lương, cứ chặm nước mắt, cứ cười vui thoải mái khi xem hoài cái tivi cà giật, cái Tivi từ lúc anh tắm mưa.

Em thấy anh chuyên viên vi tính, viết phần mềm để quản lý công ty, xem công nợ, lãi lỗ, bấm một phát là có ngay. Thế mà chẳng thể nào tính đúng được tình thương của người mẹ.

Em thấy mẹ chẳng cần vi tính, vẫn âm thầm lập trình cá, cơm, rau. Biết chị Hai cái áo ủi không ngay, còn anh nữa đôi giày cả tuần chưa chịu đánh!

Em thấy anh chuyện làm chuyện lớn mà quên đi những chuyện nhỏ xung quanh.

Em thấy mẹ suốt đời vụn vặt mà dạy con mình những bài học lớn lao...




o O o


Có bao giờ các bạn nghĩ rằng mình đã thật sự quan tâm đến ai đó chưa?

Có bao giờ các bạn đã quan tâm đến những chuyện dù chỉ là nhỏ nhặt?

Có bao giờ các bạn tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác?

Hi vọng qua câu chuyện này tôi và các bạn có thể tìm lại được những bài học về sự quan tâm mà các bạn đã lỡ đánh mất.

Hãy dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho những người người mẹ, người cha, những người luôn ở bên các bạn, luôn hướng sự quan tâm về phía các bạn mà không cần đòi hỏi điều đó từ các bạn!


(Truyện này chúng tôi không biết tác giả)

Penfriend

Penfriend = Pal + Enjoy together + Necessary + Forever + Relationship + Encourage + Never + Dab

Penfriend (bạn qua thư) không chỉ là một Pal (bạn bình thường). Đó là một người bạn mà mình có thể bộc bạch tâm sự. Đó là người mà mình có thể viết mà không cần nói, người mà mình có thể Enjoy together (cùng nhau vui đùa) mà không cần quan tâm đến dáng vẻ bên ngoài. Penfriend là những người bạn thật sự Necessary (cần thiết cho cuộc sống). Những người bạn học có thể xa nhau, những người bạn thân có thể ra nước ngoài sống nhưng những người bạn qua thư là Forever (mãi mãi). Bởi vì theo những cánh thư chứa đầy tình cảm, Relationship (mối quan hệ) của chúng minh sẽ không có khoảng cách. Khi mình gặp khó khăn, bạn luôn sẵn lòng Encourage (khuyến khích) để mình thêm vững tin và điều đó khiến mình trưởng thành. Mình sẽ Never (không bao giờ) quên những tình cảm đó. Mặc dù vậy, mình thầm mong một ngày nào đó, mình có thể Dab (chạm nhẹ) vào bạn dù chỉ một lần, bạn thân thương.

Tôi cũng có một người bạn như vậy. Hai đứa chúng tôi đã quen nhau qua mail.

Tôi vốn là đứa chỉ thích sống một mình, luôn buồn chán về cuộc sống của bản thân. Tôi chỉ thích sống với kí ức những ngày thơ ấu, những kí ức rất đẹp nhưng tôi không nhận ra rằng nó đã quá xa vời. Với chí "tiến thủ", tôi sống chỉ biết "thủ" mà không biết "tiến". Nhưng từ khi nhận được mail anh viết cho tôi, tôi đã nhận ra được giá trị của cuộc sống. Tôi cũng chợt nhận ra rằng, quanh mình có bao nhiêu điều thú vị, quanh mình cón có bao nhiêu là bạn tốt, sẵn sàng giúp đỡ mình bất cứ khi nào gặp khó khăn.

"Mặc dù có những việc tưởng chừng như vượt quá sức mình, mình không thể làm nổi, nhưng hãy nhớ một điều rằng, em không cô đơn". Đó là một trong những điều tôi học được từ anh. Đôi khi, trong cuộc sống có những bài học thật giản dị nhưng mình không nhận ra.

Tôi vẫn luôn ao ước mình có một người anh trai, bây giờ điều ước của tôi đã trở thành hiện thực. Anh sẽ là Penfriend của tôi mãi mãi cho dù đến một lúc nào đó chúng tôi không còn gặp nhau. Tôi cảm ơn những lá thư cũng như tấm lòng của anh đã dành cho tôi. Cảm ơn anh đã giúp tôi hiểu thế nào là "Melodies of life".
"Khi con sinh ra, mọi người đều cười, chỉ có mình con oà khóc. Con hãy sống làm sao để khi con chết đi, mọi người đều khóc chỉ có mình con là mỉm cười.". Đó là tất cả những gì chúng ta phải phấn đấu trong cuộc sống này. Và tất cả chúng ta cũng được gọi là Penfriend phải không các bạn? Mình mong được làm quen với tất cả mọi người!

http://songdep.xitrum.net/trenon/593.html
Vẻ đẹp

Gấu và Sói ngồi nói chuyện trên trời dưới đất.

Cạnh đó có một chị Bướm đang bay lượn. Chị bay từ cây này sang cây khác.

Nhìn thấy chị Bướm, bác Gấu đưa mắt ngắm nghía.

- Xem kìa! - Bác nói với anh Sói - Tuyệt diệu làm sao!

- Ở đâu? - Sói hỏi.

- Đấy kìa, trên cành cây, ngay trên đầu anh đấy! Một chị Bướm! Biết bao nhiêu vẻ đẹp trên thân hình chị!...

- Trên thân hình chị Bướm ấy à? - Sói cười mỉa.

- Anh không thích chị Bướm ấy ư? - Bác Gấu ngạc nhiên.

- Có cái gì hay ho trong con bướm ấy nào?

- Khỏi nói! - Bác Gấu cãi lại - Anh xem kìa! Chị ấy bay lượn mới nhẹ nhàng uyển chuyển làm sao! Những nét hoa trên đôi cánh đẹp đẽ làm sao! Thật là tuyệt vời!

- Uyển chuyển ư? Nét hoa ư? Tôi chẳng thấy một cái gì gọi là hay ho cả!

- Nhưng...

- Không có "nhưng" gì cả! Cách đây không lâu, tôi nhìn thấy một con Cừu non mũm mĩm. Chà, toàn là thịt! - Sói nói, hai mắt sáng rực lên - Đấy mới thật là đẹp!

- A! - Bác Gấu nói, vẻ chán chường - Thiết tưởng tôi đã hiểu anh...

Bài học nhớ đời
Mikhankốp

Gấu lớn cứ bắt nạt Thỏ nhỏ. Chẳng chi cả mà nó cứ tóm lấy Thỏ rồi bạt tai đến nỗi một bên tai Thỏ vẹo hẳn xuống.

Chú Thỏ khốn khổ khóc mãi, khóc hoài. Tai chú cuối cùng rồi cũng hết ê ẩm, nước mắt cũng đã khô, thế mà chú vẫn thấy đau. Chú phải làm gì đây? Tại sao chú lại cứ đụng phải cái gã Gấu hết lần này đến lần khác như thế kia chứ! Xưa nay chú chưa bao giờ phải chịu cái nông nỗi này. Nhưng lấy ai là người có thể giúp đỡ chú được? Gấu là ngã khỏe nhất trong khu rừng này. Còn Sói và Cáo là bạn chí thân của gã. Chúng vẫn thường về hùa với Gấu.

- Ai có thể giúp tôi được đây? - Thỏ than vãn.

- Được, tôi đây! – Có ai đó kêu lên.

Thỏ liếc con mắt trái và thấy Muỗi.

Làm sao bạn có thể giúp tôi được?

- Thỏ nói - Bạn làm gì nổi Gấu? Gã quá to, mà bạn thì nhỏ như thế. Bạn không đủ sức mạnh đâu!

- Được, đợi coi nhé! - Muỗi nói.

Gấu đã lang thang suốt ngày qua khu rừng nóng nực. Gã mệt mỏi và buồn ngủ, liền lăn ra đám cây mâm xôi nằm nghỉ. Nhưng khi ngã vừa nhắm mắt lại, thì gã nghe có tiếng gì vo ve bên tai: “Vi...e...é...”

Gấu biết đó là tiếng chú Muỗi. Gấu nín hơi đợi cho Muỗi đậu lên mũi. Muỗi lượn vòng quanh, vòng quanh và rồi cuối cùng đậu lên ngay chóp mũi của Gấu. Gấu vung bàn tay trái lên, đạp bóp một cái vào chóp mũi của gã! Như vậy là dạy cho gã một bài học rồi!

Gấu trở mình qua bên phải nhắm mắt lại. Nhưng đúng lúc đang ngáy dở, ngã lại nghe thấy tiếng gì vo ve bên tai: “Vi...e...é...”

- Thằng Muỗi phải cút đi ngay từ lúc đó rồi chứ!

Gấu nín thở nằm yên, giả bộ ngủ say, nhưng suốt thời gian đó gã lắng nghe, đợi cho Muỗi tìm nơi đậu khác.

Còn Muỗi thì cứ tiếp tục vo ve, vo ve rồi đột nhiên ngừng bặt.

- Thật là thoát nợ! - Gấu nhủ thầm và nằm duỗi ra. Nhưng, Muỗi đã lại nhẹ nhàng đậu lên tai Gấu và bò vô trong. Muỗi chích Gấu một cú đau dễ sợ! Gấu nhảy dựng lên. Gã vung bàn tay phải, đập vô tai gã mạnh đến nỗi nảy đom đóm mắt. Dứt khoát, cú đó thì đủ săn sóc cho cái thằng Muỗi đến tàn đời.

Gấu gãi tai và sửa soạn chỗ nằm. Gã có thể ngủ được rồi đây! Nhưng đúng lúc ngã vừa nhắm mắt, thì lại nghe có tiếng “Vi...e...é” quen thuộc.

- Thật là tai họa không thể chịu được nữa!

Gấu rền rỉ, vùng dậy, đâm đầu chạy khỏi cái nơi Muỗi đã đưa nó vào tròng. Gã trượt té, xô bừa qua các bụi cây, ngáp đến sái quai hàm, vừa đi vừa buồn ngủ đến suýt ngục xuống. Thế mà Muỗi vẫn ở ngay bên cạnh: “Vi...e...é”

Gấu lại tiếp tục chạy. Gã chạy đến hụt hơi rồi gục xuống dưới một lùm cây. Gã nằm đó thở hổn hển, dỏng đôi tai lên lắng nghe tìm Muỗi.

Khu rừng thật là yên vắng, và tối đen như mực. Tất cả các loài chim, thú đều đang ngủ ngon lành. Riêng Gấu trằn trọc và gần xỉu vì kiệt sức.

- Khốn khổ quá! - Gấu tự nhủ: - Cái thằng Muỗi nhép đó nó gây khốn đốn cho mình, đến chẳng còn nhớ nổi tên mình là gì nữa. Sung sướng là mình đã xoay xở thoát được. Bây giờ, cuối cùng thì mình cũng có thể ngủ được một chút.

Gấu tới dưới một bụi dẻ lớn. Gã nhắm mắt lại và ngủ vật vờ. Gã bắt đầu mơ. Gã thấy mình đang ở trong rừng, bất ngờ gặp một tổ ong đầy mật. Gã sắp thọc tay vô tổ ong thì đã nghe có tiếng vẳng tới: “Vi...e...é”.

Muỗi đã tìm được Gấu và cuối cùng lại đánh thức Gấu dậy!

Gấu gồi dậy, rên rỉ. Trong khi đó Muỗi tiếp tục bay vòng quanh đầu gã, lúc tới gần, khi xa xa, vo ve lúc to lên, khi nhỏ lại, cho đến lúc đột nhiên Muỗi ngừng hẳn. Muỗi đã biến mất rồi ư?

Gấu đợi một lát, rồi gã bò lết ra xa, vô một bụi cây, nhắm mắt lại. Toại nguyện. Gã vừa chợp mắt thì đúng khi đó, Muỗi cất lên giọng ca “Vi...e...é”.

Gấu bò lê ra khỏi bụi cây. Gã bắt đầu gào khóc.

- Thì mày muốn gì, hở loài sâu bọ? Tao cầu cho mày chết rũ! Mày đợi đấy! Tao không thèm ngủ một tí nào nữa. Tao sẽ tóm được mày cho mà coi!

Muỗi đã cho Gấu “khiêu vũ” đến tận lúc mặt trời lên. Nó đã làm cho Gấu hoàn toàn mệt lử. Suốt đêm Gấu chẳng được nghỉ lấy một chút nào. Gã đã tự đập gã đến thâm tím mình mẩy, để cố bắt cái thằng Muỗi nhép đó mà không được.

Mặt trời lên. Những con chim, con thú tỉnh dậy sau một đêm ngủ ngon lành. Chúng nhảy nhót và ca hót vui vẻ. Chỉ một mình Gấu không vui vẻ gì trước lúc bắt đầu một ngày mới.

Thỏ gặp Gấu ở ven rừng buổi sáng hôm đó. Gấu xù bước vấp, bước trượt, lảo đảo lê đi. Nó chẳng thế nào mở nổi con mắt ra nữa, vì quá buồn ngủ.

Thỏ cười đã đời! Nó cười đến suýt bể bụng ra mất.

- Cảm ơn Muỗi nhé!

- Thỏ vui vẻ nói khi vừa trông thấy Muỗi.

- Bạn thấy gã Gấu đấy chứ?

- Tất nhiên rồi! - Thỏ đáp rồi lại bật cười.

- Bạn thấy tôi cũng không đến nỗi bé nhỏ và yếu ớt quá như người ta tưởng, phải không?

Muỗi nói xong, vừa bay đi vừa cất giọng hát “Vi...e...é".

Điều ước mong cuối cùng
Mikhankốp

Sói quyết định thắt cổ tự tử rồi loan báo cho cả rừng biết.

- Chuyện! Anh ấy mà thắt cổ tự tử! Đợi đấy! - Thỏ cười mỉa mai.

- Dám thắt thật đấy! Dám lắm! Anh ta đã quyết định chắc chắn như thế - Rùa nói.

- Có thể anh ta suy nghĩ lại! - Nhím nói.

- Không nghĩ lại đâu! Đời nào! Anh ta đã chọn cả cây liễu để làm nơi treo cổ - Chị Quạ cam đoan - Anh ta đang đi tìm thêm dây...

Tranh cãi, bàn tán xôn xao khắp rừng. Kẻ tin, người ngờ.

Tin ấy đến tai bác Sếu. Bác bay ngay vào rừng tìm Sói. Bác thấy Sói đang ngồi dưới gốc liễu, buồn như tàu lá úa. Tim bác thắt lại, quặn đau. Xưa nay bác không yêu quý Sói, không bao giờ cho Sói đến sân nhà thật, nhưng đối với Sói bây giờ, dù sao cũng là một tấn thảm kịch!

- Chào anh Sói! - Bác Sếu chào giọng nhỏ nhẹ.

- Chào bác và xin vĩnh biệt! - Sói nói rồi đưa chân quệt nước mắt - Vĩnh biệt bác nhé! Bác đừng buồn. Hãy tha thứ cho tôi nếu như có điều gì...

- Không lẽ anh định treo cổ thật? - Bác Sếu hỏi, vẻ thận trọng - Thật không sao tin được! Tại sao? Có chuyện gì vậy?

- Tôi bị lăng nhục! Bị nhục mạ cả trong truyện ngụ ngôn lẫn trong truyện cổ tích... Tôi không muốn sống thêm một ngày nào nữa... Bác giúp tôi, tìm hộ cho một sợi dây. Tìm trong kho để đồ ấy... Kho khóa thật, nhưng người ta tin bác, bác cứ đến...

- Được... Tôi sẽ giúp anh! - Không suy nghĩ, bác Sếu đồng ý ngay.

- Cảm ơn bác lắm! - Sói nói giọng cảm động - Ừ, mà nhân tiện bác tìm cách đem cho tôi một chú dê con luôn thể... Bác cố thực hiện điều mong ước cuối cùng của tôi...

Sếu đã thực hiện điều mong ước cuối cùng của Sói. Còn Sói thì không thèm thắt cổ tự tử.

Nó đã nghĩ lại.


Anh Côi dịch
Lừa và Hải Cẩu

Một cái cây đẹp mọc ngay giữa đồng.

Bác Lừa ta chạy băng đồng, mải nhìn ngang nhìn ngửa nên đâm bổ vào, nẩy đom đóm mắt.

Lừa giận lắm, bác ta đến bờ sông, gọi Hải Cẩu:

- Hải Cẩu ơi ! Anh có biết giữa cánh đồng có một cái cây mọc không?

- Sao lại không biết!

- Thế thì anh đi hạ cái cây ấy đi ! Răng anh sắc lắm mà...

- Để làm gì?

- Tôi vừa va phải nó, sưng hết cả mặt mũi lên đây này! Khốn khổ làm sao!

- Anh nhìn đi đâu?

- Nhìn đâu... nhìn đâu... Tôi mới mải nhìn có một tý mà ra nông nỗi này đây... Đi mà hạ cái cây đi cho rồi!

- Hạ đi thì tiếc lắm. Nó làm đẹp cho cả cánh đồng.

- Nhưng nó cản trở việc đi lại của tôi. Hạ nó đi anh !

- Tôi không muốn.

- Khó nhọc lắm sao?

- Không khó nhọc nhưng tôi sẽ không hạ.

- Tại sao?

- Tại vì nếu tôi hạ cái cây ấy xuống thì anh sẽ lại va vào gốc.

- Thế thì anh hãy đào cả gốc nó đi !

- Tôi mà đào cả gốc thì anh lại rơi xuống hố, què chân.

- Tại sao?

- Tại vì anh là con Lừa !
Một câu trả lời
Mikhankốp

Một hôm, chú Gà Con cứ bám riết lấy anh Gà Trống to tướng mà hỏi.

- Tại sao mỏ chị Diệc dài và hai chân chị ấy cao kều, còn của em lại nhỏ xíu?

- Lui ra!

- Tại sao anh Thỏ lại có những hai cái tai dài còn em thì ngay cả một cái vành tai ngắn nhất cũng không có?

- Đừng quấy rầy nữa!

- Vì sao Mèo Con có cả một bộ lông đẹp thế mà em thì chỉ có mấy cái lông lơ thơ thế này?

- Thôi đi!

- Tại sao anh Chó Con biết ngoe nguẩy đuôi còn em thì chẳng có tí đuôi nào cả?

- Thôi im đi!

- Tại sao anh Dê Con có sừng mà em thì ngay cả một cái sừng xấu nhất cũng chẳng có?

- Thôi đi! Lui ra! - Anh Gà Trống tức điên lên.

- Lúc nào cũng lui ra... lui ra! Tại sao người lớn ai cũng trả lời những câu hỏi của trẻ con, còn anh thì lại không? - Gà Con trách móc.

- Tại vì em không hỏi mà chỉ có ganh tỵ! - Gà Trống trả lời nghiêm khắc.

Và đó hoàn toàn là sự thật!

Anh Côi dịch
Tính lầm
Mikhankốp

Ngày xửa ngày xưa có một anh Sói lười. Nhà cửa của anh, anh chẳng bao giờ quét dọn, sửa sang. Nó bẩn thỉu, rách nát, chỉ chực sụp xuống.

Một hôm, bác Voi đi qua, chẳng may đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà anh Sói.

- Xin lỗi anh bạn! - Bác Voi nói với Sói - Tôi sẽ sửa ngay cho anh.

Bác Voi vốn là người giỏi giang, cái gì cũng biết và không sợ công việc. Bác liền lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước...

"Ô hô ! - Anh Sói bụng bảo dạ - Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã phải xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm cho mình một cái nhà mới mới được! Lão sợ, ắt phải nghe theo!"

- Này, đứng lại! - Sói quát bảo Voi - Mày làm cái thói gì thế? Mày tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế chắc? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à? Biết điều thì đi mà làm cho ta một cái nhà mới! Đồ súc sinh! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích! Nhanh lên!

Nghe Sói nói những lời ấy, bác Voi không nói gì cả. Bác lẳng lặng quắp ngang bụng Sói ném xuống hố nước bẩn. Rồi đè bẹp dí nhà Sói.

- Này, nhà mới này! - Bác Voi nói rồi đi thẳng.

Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi:

"Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình đã xin lỗi tử tế, thế mà sau đó lại hành động thế này... Thật không sao hiểu nổi!"

- Chú mày ngu lắm! - Nhìn thấy hết mọi chuyện, bác Quạ già nói - Chú mày đã không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!

Anh Côi dịch
Tôi muốn húc

Đó là một chú Dê con với một đôi sừng bé tẹo tèo teo nhưng lại hay cà khịa. Chú chẳng biết làm gì nên cứ hay di cà khịa với mọi người.

- Tôi muốn húc! Nào, ta húc nhau một cái chơi!

- Để cho ta yên! - Bác Gà Trống Tây nói rồi trịnh trọng tránh ra.

- Nào, ta húc nhau chơi nào! - Chú Dê lân la đến gạ lợn con.

- Lui ra! - Chú Lợn con đáp lại rồi đưa chân sau quào đất.

Dê ta lại chạy đến một bác Cừu già.

- Nào, ta húc nhau một cái chơi!

- Đi chỗ khác! - Bác Cừu khẩn khoản - Hãy để ta yên! Ta không mặt mũi nào đi húc nhau với chú.

- Nhưng tôi muốn! Thôi, ta cứ húc nhau một cái chơi!

Bác Cừu không nói gì, lẳng lặng đi chỗ khác.

Dê ta lại nhìn thấy một chú Chó con.

- Chà! Ta húc một cú xem nào!

- Nào, bắt đầu! - Chú Chó con hăm hở lao đến cắn ngay vào chân Dê một miếng thật đau.

- Ôi! Hượm đã! - Chú Dê ta bật khóc - Tớ thì tớ muốn húc, thế mà cậu lại gì thế này?

- Còn tớ thì tớ muốn cắn! - Chú Chó con đáp và bồi thêm cho Dê ta một miếng rõ đau nữa.
Một kẻ hợm mình
Mikhankôp

Anh Gà Trống bay lên đậu trên hàng rào rồi rướn cao đầu lên trời.

- Anh đang ngắm bầu trời đấy à? - Chị Vịt thấy thế liền hỏi.

- Bầu trời là cái gì đối với tôi cơ chứ ! – Gà Trống đáp lại và rướn cao đầu hơn - Một khoảng không gian ngu xuẩn chất đầy hành tinh đến nỗi không còn chen vào đâu được. Một sự luân phiên nhàm chán giữa ngày và đêm. Tất cả những cái đó đã quá quen thuộc.

- Thế mà từ lâu em không biết anh là một người thú vị đến thế ! Anh có những ý tưởng mới cao siêu làm sao! Chị Vịt thốt lên.

- Tôi dang đôi cánh của mình – Anh Gà Trống tiếp tục nói – Tôi sẽ bay cao hơn cả bầu trời, sẽ thách thức với tất cả các hành tinh và rồi bí ẩn nhưng kiêu hãnh, tôi sẽ quay trở về với biển xanh khôn cùng và ... tôi sẽ chìm.

Nói đến đây, Gà Trống chóng mặt mất thăng bằng, ngã nhào xuống vũng nước.

- Ôi ! - Chị Vịt sợ hãi – Anh đang chìm đấy ư?

- Ừ ! Đang chìm ! – Gà Trống tức giận trả lời, và rồi nhìn thấy một chú giun, anh ta liền mổ, nuốt chửng.

Hệt như tất cả những anh gà khác !

Anh Côi dịch
Thần Gió và Mặt Trời

Sau khi gây ra thiên tai, bão táp làm đổ sập nhà cửa, cây cối, Thần Gió càng lúc càng tỏ ra ngạo mạn. Một hôm Thần Gió tranh cãi với Mặt Trời xem ai là kẻ mạnh nhất. Nhìn xuống mặt đất, thấy một khách bộ hành khoác chiếc áo tơi đang đi, Mặt Trời bảo: "Chẳng cần cãi nhau làm gì, hễ ai làm cho người khách bộ hành kia phải cởi chiếc áo ra sẽ thắng cuộc và là kẻ mạnh nhất!"

Thần Gió bắt đầu dương oai, thổi làm cát bụi bốc lên mù mịt, cây cối đổ rạp. Những cơn cuồng phong liên tiếp nổi lên, kèm với cái lạnh buốt da, buốt thịt. Tuy nhiên, gió càng lớn chừng nào thì người bộ hành càng cố giữ chặt chiếc áo tơi của mình, làm cho Thần Gió không cách nào lột được chiếc áo kia ra.

Đến phiên Mặt Trời, từ trong đám mây đen, Mặt Trời từ từ ló dạng. Những tia nắng vàng tỏa ra khắp nơi, làm người bộ hành cảm thấy ấm áp, thoải mái. Mặt Trời càng lúc càng nóng ấm. Thế rồi người bộ hành tự động cởi bỏ chiếc áo tơi vô dụng kia ra.
Bản chất
Mikhankôp

Nhìn thấy một bác Hổ đang ngủ say, bên cạnh bác là một ả Rắn, Thỏ ta mới nghĩ bụng: “Ôi, lỡ nó cắn bác Hổ thì sao? Mình phải đánh thức bác Hổ dậy mới được!”. Rồi, tuy run sợ lẩy bẩy nhưng Thỏ cũng nắm đuôi bác Hổ giật mạnh.

- Kẻ nào dám cả gan đánh thức ta dậy? - Hổ gầm lên.

- Xin bác thứ lỗi cho, cháu đây mà ! - Thỏ ta nói giọng nhỏ nhẹ - Bác coi chừng ! Rắn !

Bác Hổ ngoảnh lại, nhìn thấy ả Rắn lục, vụt một cái, liền nhảy sang chỗ khác.

- Đưa tay đây ! – Bác Hổ nói với Thỏ - Chú mày dũng cảm và hào hiệp lắm ! Từ nay chúng ta là bạn bè của nhau và ta sẽ đứng ra bảo vệ cho chú mày ! Bây giờ chú mày có thể không sợ bất cứ ai !...

Thỏ ta lấy làm sung sướng lắm.

Thình lình một chị Cáo từ bụi cây ló đầu ra. Thỏ ta ba chân bốn cẳng bỏ chạy, nhanh như gió.

Bác Hổ ngạc nhiên lắm. Bác lắc đầu, không hiểu. Đến chiều tối, bác tìm được Thỏ.

- Cớ sao chú mày lại bỏ chạy?

- Cháu nhìn thấy chị Cáo.

- Nhưng đã có ta ở bên cạnh rồi cơ mà? Ta đã hứa là sẽ bảo vệ chú mày.

- Dạ, bác có hứa.

- Chú mày không tin ta chắc?

- Dạ, có tin.

- Hay là chú mày nghĩ rằng cái con Cáo ấy mạnh hơn ta?

- Không ạ, bác mạnh hơn !

- Đã thế thì cớ sao chú mày còn bỏ chạy?

- Dạ, đó là một thói quen tệ hại của họ nhà Thỏ chúng cháu - Thỏ ta ngượng ngùng thú nhận.

Anh Côi dịch
Chị Mèo nhận họ

Nghe người ta nói Hổ và Báo cũng thuộc họ nhà Mèo, chị Mèo hí hửng lắm:

- Ồ! Thế mà ta, một con ngu, đã không biết ta có họ hàng như vậy! Đã thế, từ rày biết tay ta...

Suy nghĩ một lúc, Mèo ta nhảy tót lên lưng bác Lừa.

- A! Chuyện gì thế này? - Bác Lừa ngạc nhiên.

- Chở ta đi đến chỗ ta ra lệnh! Chở đi và không nói năng lôi thôi! Mày có biết bà con họ hàng của ta là ai không? - Mèo ta thốt lên trong lúc vẫn ngồi chễm chệ trên u vai bác Lừa.

- Ai thế? - Bác Lừa tò mò.

- Ông Hổ và ông Báo chứ còn ai! Không tin à? Không tin thì cứ đi hỏi chị Quạ mà xem!

Bác Lừa đành phải cõng Mèo đi hỏi chị Quạ. Chị Quạ xác nhận:

- Đúng thế! Mèo, Hổ, Báo, Linh Miêu, thậm chí cả Sư Tử đều cùng họ nhà Mèo mà ra.

- Bây giờ thì tin rồi chứ? - Mèo ta thốt lên rồi đưa móng chân quào vào u vai bác Lừa - Chở ta đi!

- Đi đâu? - Bác Lừa hỏi giọng tỉnh bơ như không - Chở đến ông Hổ hay ông Báo?

- Khó... ô... ông! - Mèo ta nói, giọng run rẩy - Chở ta đến... đến lũ... lũ gì nhỉ? Lũ Chu... uột!

Và thế là bác Lừa chở Mèo ta đến chỗ có Chuột.

Bởi một lẽ, dù sao thì đó cũng chỉ là một con Mèo!
Cuộc kiểm nghiệm
Mikhankôp

Có một anh Vẹt sau khi học được vài ba tiếng Người thì lấy làm hãnh diện và tự phụ lắm. Anh ta tuyên bố:

- Ta biết nói tiếng Người. Từ nay các người sẽ không bao giờ nghe ta nói một lời nào bằng tiếng chim nữa !

- Ồ, ồ ! - Mấy chị chim Chìa Vôi thốt lên – Thông minh làm sao ! Anh ta chỉ nói bằng tiếng Người ! Anh ta khinh rẻ tiếng chim !

- Anh ta biết nói tiếng Người ư? – Bác Quạ già hỏi – Thì đã sao ! Thế càng tốt ! Nhưng như thế không có nghĩa là anh ta thông minh hơn tất cả những kẻ khác. Tôi cũng biết nói tiếng Người nhưng chưa bao giờ tôi cho mình là một nhà thông thái.

- Thế thì bác nói đi, nói với anh ta bằng tiếng Người đi ! Mấy chị chim Chìa Vôi năn nỉ - Chúng em cam đoan là anh ta chẳng bao giờ nói với bác bằng tiếng chim đâu. Đấy, rồi bác sẽ thấy !

- Nào, để tôi thử xem ! – Bác Quạ nói rồi nhảy sang cành cây, nơi anh Vẹt đang ngồi với vẻ quan trọng.

- Chào anh Vẹt ! – Bác Quạ cất tiếng chào và tự giới thiệu bằng tiếng Người rất rành rẽ - Tôi là Quạ !

- Vẹt là thằng ngu ! Vẹt là thằng ngu ! – Anh Vẹt cũng đáp lại bằng tiếng Người rất trịnh trọng - Vẹt là thằng ngu !

- Bác nghe thấy chưa ? - Mấy chị Chìa Vôi thán phục reo lên – Anh ta đã làm cho bác tin rồi chứ ? Anh ta nói toàn bằng tiếng Người, bác tin rồi chứ ?

- Vâng, tôi tin ! Và tôi công nhận là anh ta nói rất đúng !

Anh Côi dịch
Những ngón tay

Một hôm, những ngón tay tranh luận với nhau xem những ngón nào là quan trọng hơn cả. Thoạt tiên, ngón tay giữa nói:

- Tôi chiếm vị trí trung tâm của bàn tay, không có tôi thì bàn tay chẳng ra bàn tay nữa.

Các ngón khác đều cãi rằng:

- Tuy cậu ở vị trí trung tâm và cao hơn tất cả nhưng chỉ ngồi đó cho có vị thôi, chứ có giúp được việc gì cho bàn tay để cầm nắm đâu!

Ngón tay đeo nhẫn vênh mặt nói một cách tự hào rằng hắn đóng vai trò quan trọng nhất: chính hắn là người mang dấu hiệu tượng trưng cho sự trưởng thành của chủ, tức là đeo nhẫn cưới.

Nhưng các ngón tay khác đều cười và nhận xét rằng:

- Thà cậu im đi còn hơn. Chiếc nhẫn cưới ấy ông chủ cất trong túi nhiều hơn, cốt để các cô gái trẻ tưởng ông ấy chưa lập gia đình, chứ có đeo đâu. Ngoài ra cậu có làm được việc gì khác đâu?

- Quan trọng nhất vẫn là tôi! – Ngón tay trỏ nói – Ai là người chỉ đường? Ai là người vạch ra những thiếu sót của cơ quan? Chính là tôi. Thử nghe ông chủ thường nói: Các bạn, nguyên nhân sự chậm tiến của chúng ta chính là ở đây..., mọi người đều sợ tôi trỏ vì không ai muốn mình là nguyên nhân chậm tiến của cả tập thể.

- Bạn nhầm rồi, bạn thân mến ạ - Ngón tay cái phản đối – không phải chỉ mình bạn biết chỉ. Tôi cũng chỉ, nhưng chỉ một cách khéo léo, tế nhị hơn cơ. Tôi không chỉ thẳng vào người ta mà lại chỉ qua bên phải, qua sau lưng, nhưng vẫn trúng thủ phạm như thường. Hơn nữa, trong một số trường hợp, khi muốn thoái thác trách nhiệm, tôi giúp ông chủ chỉ cho khách sang cửa khác, gặp người khác mà cầu xin, phản đối...

Từ nãy chỉ có ngón tay út im lặng. Vả lại, nó còn biết khoe khoang gì nữa: nó vốn là ngón tay bé nhất. Nhưng...

- Kìa, tại sao chú út không nói gì? - Những ngón tay khác hỏi.

- Em cũng biết chỉ đấy chứ. Vì em vốn nhỏ bé cho nên trong những lúc ông chủ cần tự phê bình, ông ấy dùng em chỉ vào ngực mình thì chẳng ai trông thấy cả. Ngoài ra, em còn được việc trong những khi cần móc ngoặc: nếu thỏa thuận với ai, chỉ cần nói xong ngay. Thế là cả hai người đều chìa em ra móc với nhau. Nhiều khi được việc ra phết đấy!

Truyện hài hước Tiệp Khắc
Đại bàng và con chim sẻ

Ở khu rừng nọ có một con đại bàng huênh hoang hợm hĩnh. Gặp bất cứ con chim nào, đại bàng cũng khoe khoang rằng nó là chúa tể của các loài chim, rằng nó khỏe nhất, kêu to nhất, bay cao nhất.

Một hôm, đại bàng tập hợp tất cả các loài chim lại và lên giọng thách thức:

- Hỡi các loài chim, trong các người có kẻ nào dám đọ sức kêu to, ăn nhiều, bay cao cùng ta không nào?

Cả bầy chim sợ hãi nhìn nhau chẳng dám ho he một tiếng. Thấy thế đại bàng càng được thế:

- Ta bất chấp tất cả các ngươi đấy.

Lúc ấy, một chú sẻ con bèn lên tiếng:

- Bác đại bàng ơi, thi ăn nhiều, kêu to với bác thì chúng em chẳng dám rồi, nhưng thi bay cao với bác thì em cũng thử một lần xem sao.

Cả đại bàng lẫn các loài chim khác đều sửng sốt ngoảnh lại nhìn chim sẻ nhưng nó không hề nao núng.

Cuộc thi bắt đầu. Ðại bàng vỗ cánh bay lên. Khi đã bay cao hơn cả những ngọn cây cao nhất, đại bàng liền gọi:

- Ê, sẻ con chết rấp ở đâu rồi?

Lúc ấy sẻ bay lên đầu đại bàng, đáp:

- Em đây, bác cứ yên tâm, em không bỏ cuộc đâu. Ðại bàng cố sức bay cao lên nữa. Khi cao hơn cả những đỉnh núi mù sương, đại bàng lại cất tiếng gọi:

- Thế nào, sẻ con, vẫn theo ta được đấy chứ?

Chim sẻ lại bay lên trả lời:

- Vâng, em vẫn cố theo bác đây. Chừng bác mệt rồi sao mà bay chậm thế?

- Ðời nào!

Ðại bàng nói hổn hển rồi bay ngược lên cao cao mãi, lần này đại bàng đã ở trên cả những đám mây trắng xóa. Nó tin là sẻ con chẳng thể nào bay lên tầng cao này được. Ðôi cánh đã mỏi rã rời. Cổ và đầu nặng trĩu, đại bàng nói chẳng ra hơi.

- Sẻ con đã chịu thua ta rồi chứ?

- Chưa đâu, em vẫn ở trên đầu bác đây này - Giọng sẻ con vẫn lanh lảnh.

Ðại bàng quyết không chịu thua chim sẻ, nó lấy hết sức tàn rướn lên cao nhưng không được nữa. Ðại bàng tắt thở. Từ trên cao nó rơi thẳng xuống vực như một hòn đá vậy. Khi ấy, sẻ con chỉ việc xòe cánh ra từ từ hạ xuống giữa các loài chim đang nóng lòng chờ tin cuộc đọ sức. Chúng không hiểu sẻ con có mưu mẹo gì mà thắng được đại bàng vốn bay cao nhường ấy. Chỉ có mỗi một con sẻ con khác là trông thấy lúc cuộc thi bắt đầu, sẻ con đã đậu ngay trên lưng đại bàng. Thì ra đại bàng đã mất công chở chim sẻ trên lưng mà không biết. Mỗi lần đại bàng cất tiếng hỏi, sẻ con lại từ lưng đại bàng bay lên đáp lời, thành thử nó chẳng mất tí sức nào.

Bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, sẻ con đã thắng đại bàng kiêu ngạo và to lớn hơn nó gấp nghìn lần.
Hổ và Ngựa

Con ngựa có tính huênh hoang, khoác lác, ra khỏi nhà là nó nện bốn cái vó xuống đất, nghe ròn hơn gõ mõ làng, hí váng cả tai hàng xóm. Một hôm trời chưa sáng hẳn, ngựa còn đang ngủ say, chủ nhà đã ra bắt ngựa cưỡi đi chợ.

Ngựa phải đưa chủ qua suối, qua đồi, qua khe. Đường xa, bụng đói, chân mỏi, người đẫm mồ hôi, nhưng con ngựa không dám kêu, vì kêu thì sợ lúc trở về chủ sẽ không cho ăn bắp ngô, chậu cám. Đến chợ, chủ nhà buộc ngựa ngoài gốc cây, vào quán ăn thịt uống rượu. Con ngựa khát nước khô cả cổ mà không dám đòi, vì sợ chủ ăn không ngon, lúc về sẽ bắt ngựa chạy nhanh hơn. Ngựa về, bụng đã đói, chân đã mỏi, nhưng chủ nhà vẫn giục ngựa chạy nhanh. Lưng ngựa oằn xuống, bọt xùi ra mép, ngựa vẫn cắm đầu chạy một mạch, mong mau về đến nhà kiếm nắm cỏ tươi. Nhưng vừa mới về đến cửa thì con chủ nhà đã ra đón. Ngựa lại phải đưa con chủ nhà đi thăm nương, rẫy. Mãi đến nửa chiều, ngựa mới được về nhà uống một chậu nước cám. Uống xong, lại sức, con ngựa ra sông tắm. Vừa mới tắm xong ngựa đã lên bờ giũ lông, hí vang, ra dáng khoan khoái lắm. Lúc đó có một con hổ đi ngang. Thấy hổ lủi thủi đi một mình, đuôi cụp, đầu cúi, dáng buồn bã, ngựa nghển cổ lên nói khích:

- Đi đâu mà trông khổ sở thế anh hổ?

- Tôi đi kiếm ăn ở rừng dưới về. Anh chẳng làm gì sao mà trông thong thả thế?

Ngựa càng lên mặt, giũ lại bộ lông một lần nữa, hí vang thêm một lượt, rồi mới ngạo nghễ nói:

- Tôi lúc nào mà chẳng thong thả? Đi dạo chơi từ sáng đến giờ, bây giờ ra tắm cái cho khỏe.

- Anh sung sướng quá! Phận tôi thì phải chạy tối ngày mà có khi cũng chẳng được miếng ăn.

Được hổ nịnh, ngựa càng vênh mặt:

- Anh vất vả quá thật. Đường rộng rãi thế này, mà tôi dạo một lúc đã thấy mỏi chân. Còn anh thì núi rừng thế kia, đi vướng trước, đụng sau làm sao mà chịu được?

Ngựa còn khoe lúc nào cũng thừa thóc thừa ngô, ăn chẳng hết, rồi mời hổ về nhà chơi, để xem những thứ đó. Tính hổ ít nói, lại không muốn mang ơn bạn trước, nên mời ngựa đến nhà mình chơi trước, rồi mới đến trả lễ sau. Hổ về, chạy vào rừng tìm bắt những con nai, con hươu làm tiệc đón ngựa. Ngựa đến cùng hổ ăn thịt, uống rượu tới một ngày rồi kết nghĩa làm anh em. Xong bữa tiệc đó, ngựa về lo đón hổ, tỏ cho hổ biết mình là người sang trọng. Ngựa lấy lục lạc tròng vào cổ, mang yên vào lưng, ngắm nghía một lúc rồi ra đứng đón hổ. Hôm đó nhà chủ ngựa lại có cỗ, ngựa chờ chủ nhà ngủ yên, vào lấy hết mâm cỗ ra tiếp hổ. Hai bên ngồi ăn uống, ngựa chỉ vào từng món thức ăn, khoe:

- Cái này là thịt gà xào này!

- Cái này là mật ong này, ngọt lắm.

- Cái này làm chỗ ở của tôi - Ngựa chỉ ra chuồng, nói tiếp - chỗ tôi ở mưa không dột, nắng không đến, chứ đâu có khổ sở như anh, lúc mưa phải núp vào hang đá, lúc nắng trú dưới bóng cây...

Ngựa còn đang khoác lác thì trời đã sáng, chủ nhà cầm một cái roi ra bắt ngựa cưỡi đi chợ. Thấy ngựa ăn cắp mâm cỗ, sẵn roi chủ nhà đến tóm bờm ngựa đánh một trận nên thân. Ngựa cúi đầu chạy, hổ núp bên ngoài nhìn thấy mọi chuyện vừa xảy ra. Hổ tự hỏi:

- Ta ở trong rừng. Núp mưa trong hang đá, núp nắng dưới gốc cây mà không bị đánh là sướng, hay ở nhà gỗ ăn cám ngô mà bị đánh là sướng?

- Đi đường dốc, vấp phải đá, quàng phải dây mà không bị người ta ngồi trên lưng là sướng, hay đi đất bằng, đường rộng mà bị người ngồi trên lưng là sướng?

Hổ ra bờ suối, chui vào bụi rậm nằm, chờ ngựa, còn ngựa đưa chủ đi đến nửa buổi chiều mới được về. Ăn xong một nắm cỏ, nó lại ra suối tắm. Hổ hỏi:

- Anh ngựa này? Cái sướng của anh tôi không muốn đâu! Anh được ăn ngô, ăn thóc, ăn cỏ, được ở nhà gỗ mà bị người ta đánh vào đầu, người ta cưỡi lên lưng thì sướng làm sao được?

Con ngựa chống chế:

- Tôi không phải làm nhà mà được ở, ngô, thóc tôi không cấy mà được ăn... Anh bảo thế chưa sướng thì thế nào là sướng? Lủi thủi trong rừng quanh năm suốt đời như anh là sướng đấy sao?

- Núi rừng tuy có âm u rậm rạp, nhưng tôi muốn đi đâu cũng được, muốn nằm đâu cũng được. Lúc tôi ngủ không ai dám gọi, lúc tôi chơi không ai dám ngăn. Hươu, nai, cáo, cầy không phải là của tôi, nhưng tôi có công bắt được thì tôi cứ ăn; không bị ai giành lại, không bị ai đánh mắng. Cái sướng của anh tôi không muốn đâu... Tôi không làm bạn với anh nữa đâu. Tôi đi về rừng rậm núi cao của tôi đây.
Nói rồi hổ cong đuôi chạy vào rừng.


Ăn giỗ

Một hôm, họ nhà Khỉ có giỗ nên mời Heo và Bò tới nhà ăn cỗ.

Xong xuôi, chiều đến bỗng Khỉ thấy Cọp tới hỏi:

- Vì sao giỗ chẳng mời ta?

Khỉ bảo:

- Cỗ bàn nhỏ mọn. Nào đâu dám mời quan bác, xin hẹn sang năm sẽ sửa mâm cỗ đầy.

Cọp nghe thế lấy làm phải bèn phe phẩy đuôi ngất nghểu ra về. Khỉ vợ hỏi khỉ chồng:

- Sao lại đặt điều nói khoác với bác Cọp làm chi?

- Không, đó chỉ là cách khéo léo từ chối giao du với những kẻ hung dữ đó thôi.

Trùn và cá

Trùn bị móc vào lưỡi câu quăng xuống nước, thấy Cá lượn múôn cắn, nó lên tiếng bảo:

- Người ta bắt tôi làm mồi để câu anh. Tôi chết đã đành, còn anh bị mắc câu sống thế nào được?

Cá nghe nói thế sợ hãi bỏ đi.

Người đi câu chờ lâu không thấy động, ngỡ là con mồi kém nhạy nên gỡ Trùn quẳng đi. Nhờ vậy Trùn lại gặp Cá. Cá ngỏ lời cám ơn.

Nhưng Trùn cũng cám ơn lại Cá vì nhờ Cá không ăn mồi nên người ta mới gỡ Trùn quẳng đi.





Thua trí


Có con quạ tha được xác một con chuột thối về ngồi trên cây rỉa mồi. Diều từ trên cao ngó thấy liền hạ cánh xuống bảo:

- Này anh Quạ ơi, xác con chuột bị ngấm thuốc độc, đừng ăn mà chết đấy anh ạ!

Quạ chẳng nghe mà lại còn la mắng:

- Anh muốn chia phần miếng mồi ngon của tôi đấy hử, chẳng đời nào!

Nói rồi Qụa bấu lấy con mồi, quay lưng lại ăn tiếp. Diều thấy ý tốt của mình bị nghi oan liền bỏ đi không thèm nói nữa. Quạ ăn hết miếng mồi, liền bị đứt ruột chết ngay.

Thỏ và Bò

Thỏ bị Chó rượt đến lúc không làm sao trốn đi đâu được nữa. Bỗng Thỏ thấy Bò già đang đứng gặm cỏ ven đường, Thỏ liền vừa chạy vừa kêu cứu trong khi Chó xồm cũng vừa xồ đến.

Bò bèn đứng chắn ngang đường, lớn giọng "phì, phì" một cách hung hăng khiến Chó sợ quá cụp đuôi bỏ chạy.

Xong Bò quay lại hỏi Thỏ:

- Chắc gì ta sẽ bênh mi mà chạy tới cậy nhờ?

Thỏ đáp:

- Khi cái chết đã đến sau lưng thì người xa lạ trước mặt cũng tin là bạn huống hồ gì tôi và bác đã quen nhau!

Chim tu hú và hai nhà vua

Khi chim ưng làm vua rất thích nghe bầy chim thổi sáo. Ngày hội nhạc, chim ưng cho môt ngàn con chim cùng thổi sáo chung một lúc. Trog một ngàn con chim đó có Tu hú là không biết thổi, nhưng cũng cứ dự phần vào để kiếm miếng ăn vua cho. Khi chim ưng thôi giữ chức, chim Phượng hoàng được lên thay. Vua mới này cũng rất thích nghe thổi sáo, nhưng lại chỉ muốn nghe tiếng thổi của từng cây sáo một. Tu hú biết mình sắp bị lộ liền xin ra khỏi ban nhạc. Chim Hạc là nhạc trưởng thấy thế hỏi:

- Vì sao đang làm ăn khá thế mà xin nghỉ?

Tu hú đáp:

- Làm ăn chung thì dựa dẫm nhau được chứ làm ăn riêng thì biết dựa vào ai?

Tên cướp và cây dâu

Tên cướp giết người trên đường cái. Ngưòi ta trông thấy đuổi theo hắn. Hắn vất xác người bị giết đầy máu và bỏ chạy. Những người đi đường gặp hắn hỏi tại sao tay hắn lại dính máu. Hắn đáp đó là do hắn leo cây dâu. Nhưng trong khi hắn đang nói với họ, những người đuổi theo hắn đã chạy tới kịp, bắt được và đóng đinh hắn trên cây dâu. Cây dâu liền nói: "Ta không tiếc vì đã trở thành công cụ hành hình mi, kẻ đã giết người lại còn dám đổ cho ta".

Những người lương thiện cũng trở nên hung dữ vì những lời dèm pha.
Sói và Dê

Một con Dê bị tụt phía sau đàn, bị con Sói theo đuổi sát. Dê quay lại, nói với Sói:

- Thưa ngài, tôi biết thân phận mình phải hiến dâng cho ngài. Nhưng để ngài thưởng thức món ăn đựơc ngon, ngài hãy thổi sáo và tôi múa nhảy cho mà xem.

Sói bắt đầu thổi sáo cho Dê nhảy quay cuồng. Lũ chó nhà nghe tiếng huyên náo bèn nhảy ra đuổi Sói.

Sói vừa chạy vừa quay đầu lại nói với Dê:

- Ta chịu thua ngươi vì ta vốn anh hàng thịt lại giở trò làm nhạc công, nên bỏ lỡ mất thời cơ.
Sếu và bầy cá

Ở ven hồ kia, có một con sếu rất tinh ma xảo quyệt. Hằng ngày dếu kiếm ăn quanh quẩn trong hồ, hễ con cá nào vừa nhô lên mặt nước hoặc rơi vao bờ là sếu mổ chết ngay. Hồ sẵn cá, tôm, cua, ếch... nên sếu chẳng bao giờ bị đói. Tuy đầy đủ thế song sếu vẫn chưa vừa ý, nó chỉ muốn ăn cho thoả thích đến không còn một con cua, con cá nào trong hồ nữa thì thôi.

Một hôm, sếu bay đi kiếm ăn xa, nó nhìn thấy môt cái hồ rộng khác. Sau khi kiếm được vài con cá khá to, sếu quay về hồ cũ. Nó liền nghĩa ra một kế độc để đánh lừa đàn cá:

- Này các bạn cá yêu quý của tôi ơi, hôm nay tôi đi xa chơi, trông thấy một cái hồ rộng và đẹp lắm ở bên kia cánh rừng này.

Một con cá nhô lên đớp sóng và nói với sếu:

- Cái hồ đó thì có dính dáng gì đến chúng tôi?

- Thì các bạn để tôi nói hết đã nào! – Con sếu kể tiếp – Trên đường quay về với các bạn tôi nghe thấy mấy người nói với nhau là vài bữa nữa họ sẽ tát cạn hồ để bắt hết cá. Tôi lo quá, mấy người kia nói là họ làm thật đấy. Nếu các bạn chết hết thì tôi biết sống với ai.

Con cá nhỏ thật thà kia bèn kể lại lời dếu cho ông bà cha mẹ, anh em bạn bè mình nghe. Chẳng mấy chốc lũ cá trong hồ đã tụ tập lại sát bờ nhau nhau nhờ sếu giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng lũ cá bằng lòng cho sếu mỗi lần cắp vài con đem thả xuống hồ nước rộng lớn kia rồi quay trờ về đón dần dần những con cá khác.


Thật tội nghiệp, lũ cá kia đã mắc mưu ác hiểm của con sếu. Sếu xà xuống nước cắp mấy con cá lên rồi bay một mạch đến cái cây to cao nó vẫn thường đậu qua đêm. Nó ung dung chén từng con một rồi tha xương xuống đất. Xong, sếu lại quay lại hồ cắp tiếp một vài con cá khác. Cứ như thế, hết chuyến này đến chuyến khác, cả đàn cá lần lượt theo nhau chui vào bụng sếu, xương cá đã chất thành đống dưới gốc cây.


Bây giờ thì đến lượt cua. Nó vốn biết sếu là kẻ gian ác, cua đã cẩn thận dè chừng. Nó để cho sếu cắp vào mai, còn hai càng cua thì vòng qua ôm vào cổ sếu thật chặt. Sếu cắp cua nhằm thẳng cái cây to bay tới. Trong lúc sếu bay cua nhìn xuống mãi mà không thấy cái hồ rộng, đẹp ấy đâu.

- Này anh sếu ơi, sắp đến chưa?

- Sắp rồi, đừng sốt ruột – Sếu trả lời.

Cua bắt đầu e ngại, nỗi ngờ vực ngày càng tăng, chốc chốc nó lại hỏi sếu:

- Đã sắp đến chưa? Cái hồ anh nói sao xa thế?

- Sắp rồi, chỉ một quãng nữa là đến thôi – Sếu nói, rồi đậu xuống một cành cây quen thuộc.

Cua nhìn xuống gốc cây, thấy cả một đống xương to, trắng xoá, nó hiểu ngay là đàn cá trong hồ đã bị sếu ăn thịt hết. Lập tức cua xiết chặt hai càng to khoẻ quanh cổ sếu. Mặc cho sếu vỗ vành rồi vùng vẫy, dù thế nào cua cũng không buông lỏng cổ sếu ra. Cua bắt sếu phải cắp nó quay lại hồ cũ. Bị hai càng cua to chặt kẹp đau quá, sếu đành phải cắp cua bay về hồ.

Trước khi sếu há mỏ để thả cua xuống nước, cua lấy hết sức kẹp đứt lìa cổ sếu. Chỉ kịp kêu lên một tiếng thất thanh, con sếu trên trời xuống mặt hồ. Thật đáng đời cho con sếu gian tham độc ác!
Sáng ba tối bốn

Ở Tống Quốc có một người rất thích nuôi khỉ, nên người ta đặt cho anh ta cái tên là Vượn Công. Anh ta nuôi hàng đàn khỉ, biết rõ tâm tính từng con, đàn khỉ cũng hiểu được tiếng nói của chủ mình. Vượn Công mỗi ngày dành một khẩu phần lương thực để nuôi đàn khỉ.

Không lâu, nhà không đủ lương ăn, anh ta định bớt lại khẩu phần ăn của đàn khỉ, nhưng sợ đàn khỉ không nghe lời, bèn nghĩ ra cách nói lừa chúng nó. Rồi anh ta tập hợp đàn khỉ lại, nói:

- Từ nay về sau cho chúng mày ăn hột cao su trừ bữa, mỗi đứa sáng ba hột, tối bốn hột, đủ no không?

Đàn khỉ nhau nhau chê ít. Một lúc sau, anh ta lại hỏi:

- Chúng mày từ nay ăn hột cao su trừ bữa, mỗi đứa sáng bốn hột, tối ba hột, như vậy đủ no rồi chứ!

Cả đàn khỉ nghe qua, nằm mọp xuống đất tỏ ý rất hài lòng.
Rắn chuyển chỗ ở

Mùa khô tới, trời nắng nóng, ao hồ cạn khô. Có hai con rắn muốn kiếm chỗ chuyển đi. Rắn nhỏ nói với Rắn to:

- Anh đi trước, tôi theo sau, chớ để cho ai thấy chúng mình chuyển nơi ở, họ mà thấy thì thế nào cũng giết chết chúng ta. Bây giờ anh để tôi ngậm vào người anh, anh cõng tôi đi. Giá như người ta phát hiện, họ sẽ nghị rằng chúng ta là Rắn thần, họ sẽ không dám làm gì chúng ta.

Hai con rắn y kế kéo nhau qua đường. Quả đúng như vậy, người trông thấy ai cũng sợ mà tránh xa và nói với nhau: - Đó là "Rắn Thần".
Người và chim sáo

Một hôm, người trồng nho bắt gặp trong vườn mình con sáo nhỏ đang rỉa những quả nho chín mọng trên cành. Ông bèn lớn tiếng nhiếc móc con chim kia là đồ trộm cắp đáng khinh. Chim bèn hỏi lại:

- Thế nếu không có tôi bắt sâu giữ bọ suốt mùa qua thì liệu đã có vườn quả hôm nay không?

- Mi ăn sâu bọ như người ta ăn thịt trứng. Ta không đòi trả tiền thì thôi,lại còn kể công sao?

- Một vài quả nho mà đổi được vườn nho, sao ông lại tiếc?

- Ta không cần mi, hãy cút đi đồ ăn hại.

Người trồng nho giận dữ ném đất đánh đuổi chim đi.

Mùa sau, chim đi biệt không trở lại. Sâu bọ phá hết vườn nho không còn một lá. Bây giờ, người trồng nho mới cất tiếng than: "Ôi, ta tiếc vài chùm nho nhỏ để làm mất cả vườn nho!".
Người bán tượng

Một người nọ làm tượng thần Hermes bằng gỗ và đem ra chợ bán. Không một ai đến hỏi mua cả. Lúc đấy, để thu hút sự chú ý của bất cứ ai, anh ta bèn rao bán tượng thần, đấng ban phước và bảo vệ phước lộc cho người.

Một người qua đường hỏi anh ta:

- Anh bạn thân mến ạ, việc gì anh lại bán đi một bức tượng như thế, cứ việc giữ nó để dùng có phải hơn không?

Người bán tượng đáp:

- Tôi rất cần phước lộc của thần nhưng thần thường đem lợi lộc đến quá chậm!
Ngỗng đẻ trứng vàng

Một người được thần Hermes bắn cho con ngỗng đẻ trứng vàng. Nhưng thỉnh thoảng ngỗng mới đẻ ra một trứng thì lâu giàu lắm.

Anh ta nghĩ: "Trong bụng ngỗng chứa toàn vàng, chi bằng mổ nó ra mà lấy". Nghĩ sao làm vậy. Nhưng anh ta hết sức thất vọng vì chỉ được bộ lông ngỗng và không còn thấy trứng vàng nữa.
Mưu trí Hồ Ly

Cọp rừng là loài quái ác, đi đến đâu muôn thú đều sợ. Một con Cọp rừng bắt được con Hồ Ly. Hồ Ly tinh khôn liền doạ:

- Nè, anh không được đụng đến tôi, Thượng đế cử tôi xuống khu rừng này để thống soái muôn loài. Anh chạm đến chân lông tôi là phạm thượng đấy! Nếu không tin lời tôi thì hai ta có thể làm thử nghiệm xem muôn thú sợ cái uy của tôi hay cái uy của anh thì biết. Chúng ra sẽ đi một vòng trong khu rừng, tôi đi trước, anh theo sau bảo vệ tôi thì anh sẽ rõ.

Cọp nghe Hồ Ly nói có lý, thử một phen coi nó nói thiệt hay láo. Thế là Hồ Ly đi trước, Cọp theo sau vào rừng, đi đến đâu muôn thú hoảng sợ bỏ chạy ráo!

Muôn thú bỏ trốn, Cọp vẫn không biết rằng vì chúng sợ mình, lại cứ nghĩ chúng sợ Hồ Ly mà chạy. Vậy là Hồ Ly thoát chết.
Mua giày

Một người ở nước Trịnh, anh ta định mua cho mình một đôi giày để đi. Trước khi đi, anh ta đo vẽ kích thước chân mình, rồi để bản vẽ mẫu lên bàn.

Khi lên đến chợ, vào tiệm chọn giày, anh mò vào túi không thấy tấm giấy vẽ mẫu đâu, biết mình để quên ở nhà, anh ta nói với chủ tiệm:

- Tiếc thay tôi để quên cái mẫu đo ở nhà, để tôi chạy về lấy mẫu đến mới mua được.

Xong anh ta vội vàng chạy một hơi về đến nhà lấy cái mẫu chân mình, khi quay lại chợ thì chợ đã tan rồi. Rốt cuộc anh không mua được giày.

Có người hỏi anh:

- Tại sao lúc đó anh không lấy ngay chân của anh mang thử giày, vừa thì mua có tốt không?

Anh ta trả lời:

- Tôi thà tin sự đo mẫu hơn là tin ở đôi chân của mình!

Thật là một trò cười cho thiên hạ!
Các cậu bé và người hàng thịt


Hai cậu bé vào cửa hàng mua thịt. Trong khi người bán thịt còn đang lăng xăng, một cậu vớ lấy miếng thịt bỏ vào ngực cậu kia. Người hàng thịt quay lại thấy mất miếng thịt và qui cho họ đã đánh cắp. Nhưng cậu bé đã lấy miếng thịt liền thề có chư thần chứng giám là cậu không hề có miếng thịt trong người. Còn cậu giấu miếng thịt cũng thề có chư thần chứng giám là chính cậu không hề lấy miếng thịt. Người hàng thịt đoán ra mưu kế của họ và lên tiếng: "Nay các cậu thoát khỏi tay ta bằng những lời thề giả dối nhưng đừng hòng thoát khỏi tay chư thần.

Truyện ngụ ngôn này chứng tỏ rằng một lời thề giả dối bao giờ cũng bất chính dù có che đậy nó thế nào đi chăng nữa.

Vẽ gì dễ

Một anh họa sĩ vẽ hình cho Tề Vương (Vua Tề). Một hôm Tề Vương hỏi anh:

- Nhà ngươi vẽ cái gì khó nhất?

- Thưa bệ hạ, vẽ chó, ngựa là khó nhất.

- Vậy vẽ cái gì là dễ nhất?

- Thưa bệ hạ, vẽ ma quái là dễ nhất.

Bởi vì chó ngựa ngày ngày đều xuất hiện trước mặt mọi người, ai củng quen thuộc chúng nó, nên vẽ không phải dễ. Còn loài ma quái chúng không có hình dạng nhất định, chưa có ai nhìn thấy chúng bao giờ, nên vẽ rất dễ.

Vịt và Cá rô

Cá rô lóc lách lên bờ, đến khi nước rút, bị mắc cạn trên một vũng khô. Tưởng mình sắp chết, may mắn thấy bầy vịt đi qua, Cá rô bèn năn nỉ:

- Làm ơn cho xin ít nước, không tôi chết mất!

Bầy vịt đáp:

- Cứ nằm đợi đấy đi, để tụi tui đi kiếm ăn một lát rồi chiều sẽ đem nước về cho cá bơi.

Nói xong, bầy vịt lũ lượt ra đồng. Cá rô nằm chờ suốt một ngày giữa trời nắng gắt.

Chiều đến, bầy vịt đem về cho đầy tràn một vũng nước, nhưng khi đó cá đã chết khô rồi.

Trò đùa của nhền nhện

Một con Khỉ được mời tới nhà vị hôn thê chơi, nó vui vẻ mời cả bạn Nhện Tây Ðạt cùng đi. Khỉ ta rất ưa bóng bẩy, trước khi đí nó đeo một đôi mắt giả vừa to vừa sáng vào.

Tây Ðạt xưa nay quen thói đố kị. Nó thấy Khỉ bảnh bao thế lòng đố kị bùng lên. Nó quyết định tìm mọi cơ hội phá Khỉ.

Vị hôn thê của Khỉ thấy có hai khách quí đến chơi vô cùng phấn khởi, cô ta nhanh nhảu đi làm cơm. Khi đó Khỉ ta ngồi cạnh lò lửa. Nhân lúc không ai để ý Nhện bèn vứt lén một quả ớt xanh vào lò. Lập tức ai nấy họng ngứa mũi cay, nước mắt giàn giụa. Vì Khỉ vừa mới đeo mắt giả nên nó rất đau nhức. Nó lấy tay dụi mắt. Thế là đôi mắt giả rơi ra.

Vị hôn thê của Khỉ nhìn thấy tỏ ra rất tức giận. Cô ta trách móc Khỉ giả dối, lừa đảo và xé tan tờ hôn ước.

Ðến khi Khỉ biết được rằng đó là do anh chàng Nhện bày trò nó tức điên lên hầm hầm giẫm Nhện nát bét.

Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta: Ðừng bao giờ kết bạn với những kẻ chuyên đố kị, ghen ghét người khác.

Thầy tu rởm

Xưa có một con sói rừng vừa hung ác vừa gian giảo. Một hôm nó nghe tin ở làng bên có một chú bé bị ốm liền nghĩ ra một kế độc để ăn thịt thằng bé.

Nó trang điểm thành một thầy tu: Ðầu đội mũ thánh hồng, khóc bộ áo thánh trắng, đi đôi giày thánh vàng, đeo một chuỗi tràng hạt vào cổ, kẹp một quyển kinh ở nách trái, tay phải chống một cây gậy. Hắn đến làng bên.

Vừa vào làng, sói ta lớn tiếng hát các bài kinh, mọi người ùa cả ra vây lấy thầy tu. Bố mẹ đứa trẻ ốm rất đỗi vui mừng, hai người lập tức mời thầy tu về mổ gà mổ dê thịnh tình đãi khách, họ cầu xin thầy tu cứu chữa con họ.

Rượu thịt no nê xong, soi vờ vịt vừa đi vừa lần tràng hạt, giở quyển kinh ra đọc độc. Ðọc được một lúc nó đến bên thằng bé ốm nhìn từ đầu đến chân rồi nói: "Bệnh cháu nặng lắm! Ngoài ta - một thầy tu giỏi nhất vùng này ra chẳng ai chữa nổi đâu! Chân chủ phù hộ các con gặp được ta. (Chân chủ là vị thầy duy nhất mà đạo Ixlam thờ phụng). Giờ các con hãy mau đi giết hai con bò làm đồ tế lễ để ta cầu khấn Chân chủ về giải nạn cho cháu!

Khi hai con bò được bày lên bàn thì trời đã tối. Sói ta nói với bố mẹ đứa bé ốm: "Các con cứ yên tâm về phòng ngủ đi, đêm nay ta sẽ trông cháu cho."

Sáng sớm hôm sau, vừa dậy bố mẹ đứa bé ốm đã chạy sang phòng con. Ðẩy cửa vào họ sững người lại: Thầy tu biến mất, hai con bò cũng biến mất. Trên giường thằng bé chỉ còn vệt máu và vài khúc xương.

Bố mẹ đứa bé ốm biết mình bị lừa, khóc lóc thảm thiết. Tiếng khóc làm động lòng hàng xóm. Mọi người đến an ủi họ và cùng nghĩ cách trả thù cho đứa bé. Họ quyết định vời Thỏ đến giúp.

Thỏ được mời đến. Sau khi nghe bố mẹ đứa bé ốm kể lại đầu đuôi câu chuyện Thỏ nói: "Ðúng là các bác bị lừa rồi, nó chẳng phải thầy tu gì sất mà là một con sói rừng hung ác. Nhưng không sao các bác cứ đợi đây rôi sẽ lôi cổ nó về đây cho".

Thỏ cũng trang điểm thành thầy tu: Ðầu đội mũ thánh hồng, khoác bộ áo thánh trắng, đi đôi giầy thánh vàng, đeo một chuỗi tràng hạt, kẹp quyển kinh vào nách trái, tay chống một chiếc gậy rồi cưỡi một con gà trống lớn ra đi.

Ðến cổng nhà sói rừng, Thỏ bảo gà trốn trong bụi cây còn mình lớn tiếng đọc kinh.

Sói nghe tiếng đọc kinh chạy ra xem và vội mời thầy tu vào nhà.

Một lát sau mâm cơm thịnh soạn được bày ra. Sói rừng nịnh bợ: "Ðược thầy hạ cố vào chơi thật là diễm phúc, tôi chẳng chuẩn bị gì mong thầy thông cảm".

Thỏ gắp thức ăn vào mồm, lắc đầu nói: "Hơi nhạt thì phải".

"Ðể tôi đi lấy thêm muối". Sói nói chân thành rồi đi vào bếp.

Thỏ đi theo vào bếp. Lúc soi thò đầu vào tải muối lấy muối Thỏ nhảy vọt tới đẩy mạnh sói vào tải túm nhanh miệng tải lại và kêu lớn: "Gà trống đâu lại đây giúp ta!" Gà trống nghe tiếng gọi chạy vào lấy dây thừng buộc chặt miệng tải lại.

"Thả ta ra nếu không ta sẽ ăn thịt các ngươi!" Sói vừa ra sức đạp vừa doạ.

Thỏ và gà trống coi như không nghe thấy, vác sói chạy một mạch về làng.

Mọi người đều đến, người thì đấm, người thì đạp, người thì quật, người thì phang, ai ai cũng phải đánh sói rừng một cái. Chẳng mấy chốc soi đã đi đời nhà ma!

Câu chuyện nhắc nhở chúng ta: Không thể đánh giá một con người tốt hay xấu bằng hình thức bên ngoài.
Thỏ và Nhền Nhện

Thỏ và nhền Nhện thường đi kiếm ăn cùng nhau, chúng phân phối rất ăn ý nên lần nào cũng được no say.

Một hôm chúng lại đi kiếm mồi. Nhưng lần này chúng không gặp may, phải mất bao thời gian chúng mới bắt được một con chim nhỏ. Con chim quá nhỏ không đủ cho hai con, chỉ đủ cho một con. Ai ăn đây? Thỏ bảo nó mất nhiều sức hơn, Nhện thì nói nó phải đổ bao mồ hôi. Cãi nhau mãi mà vẫn chưa có kết quả.

Xưa nay Nhện vốn xảo quyệt. Nó cúi đầu ngẫm nghĩ. Rồi tỏ ra nghiêm chỉnh bảo Thỏ: "Anh Thỏ ạ, càng nhìn tôi càng thấy con chim này không bình thường, đây là con chim thần chúng ta không nên tranh giành nữa".

"Cái gì? Chim thần?", Nhện biết trí thông minh của Thỏ nổi tiếng khắp nơi nhưng nó vẫn giả bộ nói: "Chúng ta không thể đụng vào chim tuỳ tiện được, phạm phải thần linh chúng ta sẽ xúi quẩy cả năm, làm sao bây giờ?"

"Theo tôi nên chôn nó đi".

"Ðúng như thế Thượng đế sẽ không giáng tội lên đầu chúng ta".

Lúc chôn chim Nhện ta cố ý để lộ 2 cái chân chim ra ngoài. Thỏ biết Nhện làm thế để sau này tìm cho dễ, nhưng vẫn tỏ ra không hiểu hỏi: "Ðể lộ chân chim thần ra ngoài làm gì?"

"Ðể bảo vệ chim thần tốt hơn không cho ai dẫm phải. Anh xem người khác qua đây trông thấy chân chim thần lại không nhanh rảo bước sao? Nhện giải thích.

Mờ sáng hôm sau Nhện bèn lén đến cầm 2 chân chim mà lôi lên rồi kéo về nhà. Nó nói với vợ : "Hãy rán lên đã. Ðợi đến đêm chúng ta sẽ ăn. Phải cẩn thận đừng để nhà Thỏ trông thấy" nói xong Nhện bỏ đi chơi.

Phải mất gần một ngày Nhện cái mới rán xong chim. Trời xẩm tối, Nhện cái cất chom trong một nồi, đậy điện kỹ càng rồi vờ như không có gì sang tán phét cùng Thỏ cái.

Ðêm khuya, chẳng còn nhà nào thắp đèn, Nhện đực và Nhện cái cũng phải về nhà. Nhện đực dương dương tự đắc nói với vợ: "Giờ thì chúng ta ăn thịt rán được rồi, ăn từ từ thôi còn khối không được gây tiếng ồn". Nhện đực mở vung nồi. Ai ngờ vung kểnh, trong nồi chẳng còn láy một mẩu xương chim. Nhện đực ngớ người ra, Nhện cái cũng không hiểu, lũ Nhện con càng ngơ ngác.

Chim rán biến đâu mất? Chắc ai cũng đoán ra, chú Thỏ thồng minh đã theo dõi Nhện từ đầu đến cuối. Ðợi cho Nhện cái rán chim xong bỏ vào nồi Thỏ ta vào lấy trộm đem giấu ở bìa làng.

Mất chim rán Nhện đực nổi khùng với vợ, rồi trách mình ngu xuẩn không cất kỹ. Nhện đực còn vu cho Nhện cái ăn hết. Lũ Nhện con không được ăn thịt chim nhao nhao lên đòi. Nhện cái không nói được câu nào.

Nghe bên nhà Nhện ầm ĩ, Thỏ ta cố tình sang xem rồi khuyên: "Nửa đêm rồi cả nhà còn cãi vã gì nữa?"

Nhện cái vừa bị một trận mắng tức tối trong lòng không kìm được chỉ vào mặt chồng nói: "Chả hiểu ống ấy mang ở đâu về một con chim, bảo tôi rán lên rồi cất vào nồi, ai ngờ lúc định ăn thì đã mất tiêu. Ông ấy còn vu cho tôi ăn vụng, oan cho tôi quá!" nói xong khóc nức nở.

Nhện đực đứng như trời trồng, không nói được câu nào, chủ mong có lỗ nào mà chui xuống cho đỡ xấu hổ.

Thỏ ta hoan hỉ mang chim rán về cả nhà cùng ăn. Từ đó Thỏ và Nhện không bao giờ đi kiếm ăn cùng với nhau nữa.
Khỉ và khách

Ðể chào mừng một ngày lễ lớn, một hôm Khỉ ta mời tất cả bạn bè đến nhà chơi. Rùa đen cũng đến.

Ðầu tiên Khỉ ta nói lời chúc mừng sau đó mời các bạn vào bàn tiệc.

Chúng ăn uống thoả thích, hết chạm cốc lại gắp thịt rất chi là ồn ào.

Rùa đen không lên được ghế, nó nhờ Khỉ giúp, Khỉ nhìn Rùa cười to giễu cợt: "Ha! Ha! Ai bảo chân cậu ngắn thế nào?"

Rùa đen tức lắm, nhịn đói bỏ về, nó thề rằng phải tìm cách trả đũa cho hả dạ.

Cơ hội đã đến. Trong một ngày lễ khác Rùa đen cũng mời tất cả các bạn của nó đến ăn cơm. Khi ta cũng đến.

Thịt rượu đã bày lên bàn. Ðợi các bạn ngồi vào bàn xong Rùa đen nói vài lời rồi tuyên bố tiệc rượu bắt đầu. Rùa đen đến bên Khỉ, ngắm nghía tay Khỉ, nói: "Thưa anh, xin lỗi, tay anh bẩn quá! ăn uống thế này thì thật mất vệ sinh, mời anh ra rửa tay trước đã". (Tay Khỉ vốn là đen trông rất bẩn, nhưng rửa cũng chẳng ích gì).

Khỉ ta vội tìm giẻ lau rồi tìm nước rửa, nhưng làm thế nào thì tay nó vấn đen thui, nó hỏi Rùa đen phải làm thế nào. Rùa cười to: "Ha! Ha! Ai bảo tay anh đen thế?"

Khỉ nghe vậy nhớ ngay đến thái độ của nó đối với Rùa hôm trước, nó hiểu Rùa đang trả đũa nó nhưng không cáu được đanh chuồn thẳng.
Vẹt và châu chấu

Khoa La là tên một con vẹt, mỏ nó vừa đẹp vừa linh hoạt. Nó có thể mổ châu chấu trong các bụi cỏ rất chi là tự nhiên. Nó thấy loại côn trung xanh này ngọt và ngon nên sau mỗi lần chén no nê xong nó bỏ những phần thừa vào một chỗ dự trữ.

Chẳng bao lâu sau châu chấu không chịu cam phận. Chúng cững muốn được sống tự do. Thế là chúng vùng dậy phản kháng. Ðể chống lại kẻ thù chúng chúng bí mật tổ chức một "liên minh chấu chấu" và lên kế hoạch hành động cụ thể.

Hôm đó vẹt Khoa La lượn một hồi lâu mà chẳng bắt được con châu chấu nào đành nhịn đói quay về. Hôm sau vẫn thế, vẹt Khoa La buộc phải dùng đến thức ăn trong kho dự trữ.

Mấy ngày liền sau đó, vẹt Khoa La toàn không gặp may. Thức ăn dự trữ ngày một ít. Xem ra chỉ còn lại một một càng châu chấu. Vẹt Khoa La muốn để dành nhưng không được, nó đói không ngủ được "không ăn thì không ngủ được" nó tự nhủ. Cuối cùng nó ăn nốt càng châu chấu đó. Nhưng một chiếc càng châu chấu có thấm tháp gì! Bụng nó sôi eo éo cả đêm. Tờ mờ sáng hôm sau vẹt Khoa La buộc phải đi kiếm mồi. Vì đói nên nó rất yếu, dù đi bộ hay bay trên không trung nó đều cảm thấy mệt rã rời. Nó đành phải nghỉ dưới một gốc cây.

Bỗng vẹt Khoa La nghe thấy một âm thanh lạ:

Bu chi chi... cưa chi chi...

Bu chi chi... cưa chi chi...

Nó nghĩ có lẽ là bụng nó sôi thành tiếng, cứ ngủ cái đã, ngủ đi sẽ quên đói.

Bu chi chi... cưa chi chi...

Bu chi chi... cưa chi chi...

Âm thanh lạ đó cứ kéo dài mãi. Vẹt Khoa La càng nghe càng khó chịu: Nó muốn đi chỗ khác nhưng nó thấy trời đất tối sầm lại. "ồ! Sao ta lại không nhìn thấy gì cả. Ðây hẳn là bụng ta đang gào thét, nó muốn trả thù ta vì đã lâu ta không có gì cho vào bụng".

Lúc đó, Vẹt Khoa La thấy phía trước hình như có một đám mây lớn đang bay lại. Ðợi đám mây đó đến gần Vẹt Khoa La nhìn kỹ hoá ra đám mây là do rất nhiều con vật tạo thành. Ðang buồn bực thì đám con vật kia bay tới, con thì đánh, con thì đạp, con thì đẩy, con thì cắn khiến vẹt ta vừa đau vừa ngứa không thể chịu nổi.

"A! Trời ơi, đó là một đàn châu chấu", Vẹt KhOa La kinh ngạc kêu lân. Ðúng vậy, đàn châu chấu đông đúc bao vây Vẹt Khoa La làm nó lóng ngóng và sợ hãi.

Ðể thoát khỏi vòng vây Vẹt Khoa La buộc phải nhảy từ chỗ nọ sang chỗ khác, từ cành cây này sang cành cây khác. Nhảy mãi nhảy mãi sức nó cạn kiệt rồi "phộp" một tiếng nó rời từ trên cây xuống.

"Liên minh châu chấu" đã nghĩ ra cách đó. Vậy âm thanh lạ Vẹt nghe lúc nãy là gì? Té ra châu chấu có thể vừa đạp vừa bay. Vì tất cả cùng đạp nên những đôi càng răng cưa phát ra tiếng "bu chi chi, cưa chi chi". Chúng muốn dùng cách đó để uy hiếp kẻ thù trước. Lũ châu chấu quả là ghê gớm!

Ðội quân chấu chấu thấy vẹt Khoa La nằm bất động tưởng rằng đã chết nên tản đi.

Kỳ thực vẹt Khoa La chỉ ngất đi thôi. Vài giờ sau gió chiều mát mẻ thổi tới làm nó tỉnh lại. Lúc đầu nó vẫn ngỡ là một cơn ác mộng> Bốn bề im ắng, vẹt càng nghĩ càng tủi, hôm nay sao mà xúi quẩy hế không biết. Nó thấy cổ họng khô rát, thèm nước. Nó lê tới một dòng suối cạnh đó uống nước. ánh trăng phản chiếu trên dòng suối láp lánh anh bạc, thật giống một tấm gương.

Vẹt Khoa La soi mình vào dòng nước, nó giật mình và dường như không nhận ra mình nữa, mũi xanh mắt quầng, xấu xí quá!

"Lũ châu chấu thật đáng sợ", vẹt Khoa La tự nhủ, "Nhưng ta chẳng phải có một cái mỏ vừa đẹp vừa linh hoạt sao? Chẳng phải trước đây đã từng mổ châu chấu rất tự nhiên đó sao? Tại sao vừa nãy lại không phát huy tác dụng nhỉ?"

Từ đó trở đi mỗi khi vẹt gặp châu chấu đều không dám mổ. Lúc đói nó kiếm vài cọng cỏ để ăn hoặc mổ những hạt quả mềm ăn nhân.

Câu chuyện mách bảo ta điều gì? Kẻ yếu thì phải đoàn kết lại thì mới thắng được kẻ mạnh.
Đom đóm và giọt sương

Tối hôm đó không có trăng nhưng bầu trời đầy sao sáng. Đom Đóm bay từ bụi tre ngà ra ruộng lúa. Cây đèn của Đom Đóm cứ chớp lên trong đêm, trông đẹp như ngôi Sao Hôm đang nhấp nháy.

Đom Đóm sà xuống chân ruộng bắt mấy con Rầy Nâu hại lúa để ăn lót dạ. Sau đó, cậu ta bay lên một gò cao, đậu lên một bông cỏ may, vừa hóng gió thu về đêm, vừa làm cho cây đèn của mình sáng thêm. Bỗng Đom Đóm nhìn sang bên cạnh và thấy cô bạn Giọt Sương đang đung đưa trên lá cỏ. Đom Đóm thầm nghĩ: "Ôi! Bạn Giọt Sương thật là xinh đẹp!". Rồi Đom Đóm cất cánh bay quanh Giọt Sương. Lạ thật! Càng đến gần, Đom Đóm lại càng thấy Giọt Sương đẹp hơn. Đom Đóm cất tiếng:

- Chào bạn Giọt Sương, trông bạn lung linh, tỏa sáng như một viên ngọc vậy!

Giọt Sương dịu dàng nói:

- Bạn Đom Đóm ơi! Mình sáng đẹp thế này là vì mình phản chiếu ánh sáng từ các ngôi sao trên bầu trời, có khi còn mờ hơn ánh sáng cây đèn của bạn. Mình nghĩ bạn mới là người đẹp nhất, sáng nhất, vì bạn sáng lên được từ chính bản thân mình. Bạn thật đáng tự hào!

Đom Đóm nói:

- Bạn Giọt Sương khiêm tốn quá! Nhưng mình xin cảm ơn bạn về những lời tốt đẹp bạn dành cho mình. Thôi, chào bạn! Mình đi bắt bọn Rầy Nâu hại lúa đây!

Đom Đóm bay đi, Giọt Sương còn nói với theo, giọng đầy khích lệ:

- Xin chúc bạn làm tròn nhiệm vụ của mình để đồng ruộng thêm tươi tốt nhé!
Quạ uống nước

Có một mùa hè nóng nực, trời nóng như thiêu như đốt, mãi mà không có giọt mưa nào. Đất đai bị hạn hán khô cằn, nứt nẻ, sông suối cạn khô. Muôn loài nháo nhác vì thiếu nước.

Không có nước uống, mẹ con nhà Quạ sắp lả đi vì khát. Quạ mẹ đã dẫn các con đi khắp nơi, nhưng không tìm đâu ra nước. Cuối cùng Quạ mẹ cũng tìm được một cái bình. Nhưng cái bình rất sâu, Quạ chẳng có cách nào uống được tí nước còn lại dưới đáy bình.
Quạ mẹ nghĩ mãi rồi bảo các con đi lấy sỏi thả vào bình. Nhờ vậy mà nước dâng lên đến miệng bình, Quạ mẹ và Quạ con có nước uống, qua được cơn khát.



Hai con gà trống


Có hai con gà cùng một gà mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, đủ lông đủ cánh trở thành hai con gà trống, chúng lại hay cãi vã nhau. Con nào cũng tự cho mình đẹp đẽ, oai phong hơn, có quyền làm Vua của Nông Trại.

Một hôm sau khi cãi nhau, chúng đánh nhau kịch liệt, định rằng hễ con nào thắng sẽ được làm Vua của Nông Trại. Sau cùng, dĩ nhiên một con thắng và một con bại.

Con gà thắng trận vội nhảy lên hàng rào, vỗ cánh và cất tiếng gáy vang, ca tụng sự chiến thắng của mình. Chẳng ngờ tiếng gáy của con gà làm một con chim ưng khi bay ngang qua đấy chú ý đến. Thế là, con chim ưng xà xuống bắt con gà thắng trận mang đi mất. Trong khi đó con gà bại trận vẫn còn nằm thoi thóp thở.



o O o



Lời bàn: Câu chuyện muốn khuyên chúng ta phải thương yêu, và đùm bọc anh chị em trong nhà để người ngoài không hiếp đáp được.


Ca dao:

Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

Ông lão và con lừa

Ông lão nhà quê và đứa cháu bàn nhau đem con lừa ra hội chợ bán. Để con lừa khỏi mệt mỏi hầu có thể bán được giá cao, họ buộc chân lừa lại và hai ông cháu khệ nệ gánh con lừa đi.

Đi được một đoạn, người đi đường thấy thế phá ra cười và bảo: "Có con lừa mà không chịu cỡi lại khiêng nó. Sao mà ngu thế!" Ông lão nhận thấy mình ngu thật, vội để con lừa xuống, cởi trói cho nó, và để đứa cháu cỡi lên lưng lừa, còn ông thì đi theo sau.

Một lúc sau, khách bộ hành trông thấy thế, mắng thằng cháu: "Mày là đồ bất hiếu bất mục! Sao lại để Ông mày già yếu thế mà đi bộ Chính mày phải đi bộ mới phải!" Một lần nữa, nghe theo ý khách bộ hành, Ông già leo lên lưng con lừa, đứa cháu bước theo sau.

Đến một đoạn đường khác, ba cô gái đi qua thấy vậy, một cô bảo: "Tội nghiệp thằng bé, phải đi khập khễnh theo sau, trong khi ông già tưởng mình khôn ngoan lại ngồi chễm chệ trên lưng lừa!" Ông già nhận thấy ý kiến đúng, bảo thằng cháu cùng lên ngồi trên lưng lừa.

Rồi một toán người khác đi ngang qua lại phê bình: "Sao lại bắt con lừa đáng thương ấy chở nặng như vậy? Họ không biết thương hại con vật già nua của họ tí nào cả. Ra đến hội chợ thì họ chỉ còn mảnh da lừa để bán!" Một lần nữa, hai ông cháu xuống đi bộ, để con lừa đi thong dong đằng trước.

Vẫn chưa hết, một khách qua đường thấy vậy than rằng: "Sao họ không để con lừa vào lồng kính mà thờ! Họ đi mòn giầy của họ để bảo vệ con lừa. Đúng là ba con lừa!"

Bấy giờ Ông lão mới trả lời: "Vâng, chính tôi là con lừa! Nhưng từ nay về sau, dù người ta khen hay chê tôi, dù người ta nói điều gì hay không nói điều gì, tôi chỉ làm theo đầu óc của tôi mà thôi!"



o O o


Lời bàn: Câu chuyện khuyên ta tuy phải lắng nghe ý kiến của người khác nhưng luôn luôn phải dùng sự suy nghĩ của chính mình để định đoạt mọi việc.


Tục ngữ:

Lắm thầy thối ma
Cáo và Cò

Cáo là loại rất háu ăn nhưng rất khôn lanh quỉ quyệt. Một hôm, Cáo bỗng mời Cò đến nhà dùng cơm. Thức ăn Cáo dọn ra mời khách là món cháo, được để trong một cái đĩa dẹp, không có chiều sâu. Sau khi mời khách, Cáo thản nhiên liếm hết sạch, trong khi Cò, vì có mỏ dài, chẳng ăn được gì trong đĩa, đành chịu đói.

Vài ngày sau, đến phiên Cò mời Cáo đến dùng cơm Vốn háu ăn, Cáo nhận lời và đến ngay. Thức ăn thật là ê hề, nào là thịt, cá, bắp, gạo, trái cây, nhưng Cò đã để trong một chiếc hũ thuỷ tinh cao cổ. Cáo loay hoay mãi không cách chi lấy đồ ăn được, chỉ còn cách đi nhặt mấy miếng vụn thức ăn mà Cò đã rơi vãi trong khi ăn.


o O o


Lời bàn: Câu chuyện muốn nhắc chúng ta đừng nên làm những gì mình không muốn người khác làm như vậy cho mình.


Tục ngữ:

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại.
Bài học đâu tiên của Gấu con
Lê Bạch Tuyết

Ngày chủ nhật Gấu con xin phép mẹ ra đường chơi cùng các bạn. Gấu mẹ dặn:

- Con chơi ngoan nhé. Nếu làm sai điều gì, con phải xin lỗi. Được ai giúp đỡ thì con phải cảm ơn.

Gấu con tung tăng chạy nhảy và mải lắng nghe chim Sơn Ca hót nên va phải bạn Sóc khiến giỏ nấm văng tung toé ra đất. Gấu con vội vàng khoanh tay và lễ phép nói:

- Cảm ơn bạn Sóc!

Nói xong Gấu con cúi xuống nhặt nấm bỏ vào giỏ giúp Sóc. Sóc ngạc nhiên nói:

- Sao Gấu con lại cảm ơn, phải nói xin lỗi chứ!

Mải nhìn Khỉ mẹ ngồi chải lông cho Khỉ con nên Gấu con bị trượt chân, rơi xuống hố sâu. Gấu con sợ quá kêu thất thanh:

- Cứu tôi với! Ai cứu tôi !!!

Bác Voi ở đâu đi tới liền đưa vòi xuống hố và nhấc bổng Gấu con lên mặt đất. Gấu con luôn miệng:

- Cháu xin lỗi bác Voi, Cháu xin lỗi bác Voi!

Bác Voi cũng rất ngạc nhiên liền nói:

- Sao Gấu con lại xin lỗi, phải nói cảm ơn chứ!

Về nhà, Gấu con kể lại chuyện cho mẹ nghe. Gấu mẹ ôn tồn giảng giải:

- Con nói như vậy là sai rồi. Khi làm đổ nấm của bạn Sóc, con phải xin lỗi. Còn khi bác Voi cứu con ra khỏi hố sâu, con phải cảm ơn.

- Con nhớ rồi ạ! - Gấu con vui vẻ nói.


Sẵn lòng giúp đỡ
Mikhankốp

Chạy khắp rừng thấm mệt, anh Nai muốn nghỉ ngơi chút đỉnh. Anh nằm xuống bãi cỏ rồi nhờ Thỏ:

- Chú mày làm ơn nửa giờ nữa đánh thức anh dậy nhé!

Thỏ mừng rối rít: được anh Nai nhờ đâu phải chuyện chơi!

- Anh cứ ngủ đi! Ngủ đi! Thế nào em cũng đánh thức anh dậy đúng giờ! - Thỏ hứa.

Nai duỗi chân rồi nhắm mắt.

- Để em lót cỏ cho anh ngủ nhé? - Thỏ đề nghị, rồi kéo cỏ đến nhét dưới hông Nai.

- Cảm ơn, thôi không cần! - Anh Nai nói vẻ ngái ngủ.

- Không cần là thế nào? Nằm trên cỏ êm hơn chứ!

- Thôi được! Thôi được rồi... Tôi buồn ngủ...

- Hay để em mang cho anh cái gì uống trước khi ngủ? Gần đây có con suối. Em chỉ chạy nhoáng một cái là có liền!

- Thôi được rồi, không cần đâu... Tôi buồn ngủ lắm rồi...

- Thì anh cứ ngủ đi! Ngủ đi! Hay anh muốn em kể chuyện thần thoại cho anh nghe? Như thế anh sẽ dễ ngủ hơn! - Thỏ vẫn ngồi năn nỉ.

- Thôi được... Cảm ơn... Tôi ngủ thế này cũng được...

- Hay là mấy cái sừng nó làm anh khó ngủ?

Nghe đến đấy, Nai đứng dậy bỏ chạy một mạch.

- Anh đi đâu thế? - Thỏ ngạc nhiên hỏi - Chưa được hai mươi phút mà!

Anh Côi dịch
Tham ăn

Ngày xưa, ở vương quốc Thái Lan, có một ngôi chùa rất lớn và đẹp, trụ trì ngôi chùa này là một ông sư còn trẻ nhưng lại nổi tiếng tham lam và ích kỷ.

Không biết ai đã đưa ông vào ngôi chùa này mặc dù đức hạnh ông ta không hề có. Trong sân chùa này có một cây táo rất sai quả, quả nào quả nấy to bằng nửa nắm tay người lớn và trái rất ngọt. Đến mùa quả chín nhà sư chỉ cho phép một mình được hái táo vì ông ta chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Ngay cả những sư khác trong chùa cũng không được đụng tới.

Trong vùng có hai người nông dân nghe tiếng ông sư này tham lam liền tìm cách lừa ông ta một vố để dạy cho ông một bài học. Một trong số hai người liền tìm đến chùa ra mắt vị sư tham lam nọ và hỏi xin ít táo. Nhà sư nói:

- Không được, những táo này chỉ dành cho ta thôi. Không ai được hái đâu.

Người nông dân nài nỉ mãi nhưng nhà sư nhất quyết không cho. Cuối cùng, anh nông dân nói:

- Ông chưa hiểu ý tôi. Tôi sang mời ông chiều nay đến nhà tôi để ăn thịt hươu. Tôi xin ít quả táo để nướng chung với thịt hươu.

- Thế sao anh không nói ngay từ đầu? – Nhà sư thốt lên, mắt nhìn xung quanh xem có ai thấy không rồi tiếp – Anh cứ hái đi, cần bao nhiêu cứ hái. Trông vẻ mặt nhà sư lúc này rạng rỡ hẳn lên, không còn cau có như lúc đầu nữa.

Thấy đã trúng kế, anh nông dân mỉm cười đắc ý. Thế rồi nhà sư dẫn anh nông dân ra chỗ cây táo và cùng anh ta hái một túi đầy. Vừa hái táo nhà sư vừa hỏi về bữa thịt hươu sắp tới với vẻ mặt của một người sắp được đánh chén. Còn anh nông dân thì luôn miệng ca ngợi món thịt hươu nướng của mình.

Sau khi hái đầy bao táo, người nông dân cáo từ và hẹn chiều gặp lại.

Anh ta về được một lúc thì có một người nông dân khác vào xin táo và cũng bị nhà sư từ chối như anh nông dân lúc nãy. Nhà sư nghĩ: “Ta dại gì cho hắn, cho tên kia thì còn được mời đến ăn thịt hươu chứ cho tên này thì ta mất không, chẳng được lợi lộc gì?”. Nghĩ vậy nhà sư lắc đầu nguầy nguậy nhất định không cho.

Biết tẩy của anh ta, anh nông dân nói:

- Tôi đến mời ông đi ăn thịt gà, nhân tiện xin ông ít quả táo hầm với gà cho ngon. Bữa tiệc này chỉ có tôi và ông thôi, chớ ngại.

Nghe xong nhà sư mừng lắm, định bụng hôm nay sẽ được chén một bữa no nê thịt hươu và thịt gà. Nhưng ông đâu có biết sa vào bẫy của hai người kia. Thấy nhà sư im lặng, người kia nói:

- Ông thấy thế nào? Hay ông không thích ăn thịt gà của tôi?

Nhà sư vội vã đáp:

- Không phải, không phải, tôi rất vui lòng nhận lời mời của anh bạn. À mà nhà ông bạn ở đâu?

Anh nông dân đáp:

- Chỉ ở cuối xóm này thôi.

Tuy miệng hỏi vui vẻ như vậy nhưng trong đầu của nhà sư đã hình dung một con gà béo tròn đặt lên đĩa còn đang bốc khói nghi ngút. Và tất nhiên anh đựơc nhà sư mời ra sân và cho hái quả thoải mái trên cây táo đã nổi tiếng là "bất khả xâm phạm" của mình. Sau khi đã hái đầy một bịch táo, anh nông dân chào nhà sư ra về dưới con mắt ngạc nhiên của các chú tiểu trong chùa. Từ đó trước tới nay họ chưa bao giờ thấy nhà sư của mình cho ai nhiều táo như vậy.

Chiều đến hai anh nông dân cùng đến ngôi chùa nọ để mời nhà sư đi ăn tiệc. Họ gặp nhà sư và như đã bàn tính trước, một trong hai anh nông dân nói:

- Bây giờ sư ông đến nhà tôi trước, nhà tôi ở gần ngay đây thôi.

Người thứ hai phản đối:

- Không được! Đến nhà tôi trước vì cả nhà đang đợi.

Không ai nhường ai họ cãi nhau ỏm tỏi khiến nhà sư phải lên tiếng:

- Thôi thôi, được rồi, tôi sẽ đi với cả hai vị.

Hai người nông dân nháy mắt với nhau, họ đưa nhà sư đi lòng vòng khắp nơi, được một lúc mỏi chân quá, nhà sư nói:

- Đã đến chưa mà sao đi mãi vậy?

Hai người nông dân đồng thanh đáp:

- Sắp tới rồi, ông ráng lên, chỉ còn một đoạn nữa thôi.

Hai anh nông dân đáp trấn an nhà sư. Mãi đến lúc này nhà sư nọ vẫn chưa biết mình bị hai người đàn ông kia lừa.

Đến chiều nọ họ đã tới làng, đi một đỗi nữa đến ngã ba, một trong hai người nắm tay kéo nhà sư vào con đường phía bên trái và nói:

- Đã đến nhà tôi rồi, xin ông hãy qua nhà tôi trước, đánh chén xong hãy qua nhà ông kia.

Người kia đâu có chịu bèn chạy lại nói:

- Đâu có được, chính tôi mời ông qua nhà tôi trước.

Thế là họ cãi nhau. Còn nhà sư không biết phải đi theo ai trước nên chỉ biết phải im lặng.

Cãi nhau chán mỗi người bèn tóm một tay của nhà sư mà kéo về phía mình. Vừa kéo họ vừa chửi bới nhau cho đến lúc nhà sư không chịu nổi nữa phải thốt lên:

- Hãy để tôi yên! Tôi chẳng đến nhà ai cả, buông tôi ra!

Đến lúc này hai người mới buông tha nhà sư ra. Bây giờ ông ta đã quá mệt, vừa chẳng ăn đựơc gì, lại vừa phải nghe tiếng chửi rủa suốt buổi của hai người nông dân.

Nhà sư chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi một mạch về với vẻ mặt mệt mỏi xen lẫn thất vọng vì hụt bữa ăn ngon, và ông ta cũng chưa biết rằng mình bị chơi một vố đau. Đợi cho nhà sư đi rồi, hai anh nông dân nhìn nhau cười đắc ý. Về phần nhà sư, ông không những mất một số táo đáng kể mà còn chẳng ăn được gì. Đúng là tham thì thâm!
Chỉ có một người thôi

Người đến dự đám cưới khá đông. Ông hàng xóm gọi bác làm công đến và bảo:

- Này, anh đi xem xem có bao nhiêu người đến dự đám cưới bên ấy.

Bác làm công ra đi. Bác để lên ngưỡng cửa một khúc gỗ và ngồi lên bờ tường đợi khách khứa ra khỏi nhà. Họ bắt đầu ra về. Ai đi ra cũng vấp phải khúc gỗ, văng lên chửi và lại tiếp tục đi. Chỉ có một bà lão vấp phải khúc gỗ, liền quay lại đẩy khúc gỗ sang bên.

Bác làm công trở về gặp người chủ.

Người chủ hỏi:

- Ở bên ấy có nhiều người không?

Bác làm công trả lời:

- Chỉ có mỗi một người mà lại là bà lão.

- Tại sao vậy?

- Bởi vì tôi để khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả đều vấp phải, nhưng cũng chẳng ai buồn dẹp đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Nhưng một bà lão đã dẹp khúc gỗ sang bên để người khác khỏi vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà lão là người.
Chim Sơn Ca

Bụi trường xuân vừa ra hoa, Sơn Ca lập tức đoán ra ngay cái nguy cơ rình rập loài có lông vũ. Tập hợp các loài chim lại, nó lên tiếng thuyết phục chúng:

- Tốt hơn hết là nên hạ cây sồi có bụi trường xuân mọc trên đó. Nếu không làm nổi việc đó thì nên bay đến gặp loài người để cầu xin họ đừng dùng bụi trường xuân để săn chim.

Nhưng các lồi chim không nghe lời và chế nhạo nó. Sơn Ca liền bay đi để gặp loài người để xin điều đó. Nhờ sự khôn lanh của nó, loài người đã chịu để nó sống bên cạnh mình. Chính vì thế các loài chim khác đều bị loài người bắt ăn thịt, chỉ riêng có loài Sơn Ca xin được nương náu bên cạnh loài người là không bị đụng đến, được loài người cho phép xây tổ bình yên trong nhà của họ.

Truyện ngụ ngôn này cho thấy ai có khả năng nhìn thấy trước sự việc thì dễ dàng tránh khỏi những cảnh hiểm nghèo.
Chim ưng và Cáo

Chim ưng và Cáo quyết định sống với nhau như bạn bè và thoả thuận ở gần nhau cho tình bạn thêm bền chặt nhờ tình láng giềng. Chim ưng xây tổ trên ngọn cây cao còn Cáo đào hang đẻ con ngay trong những bụi cây dưới đất. Nhưng có một lần, cáo đi kiếm mồi, chim ưng đang đói bay sà xuống bụi cây vồ lấy các con cáo con và cùng với các con chim ưng con của mình ăn thịt chúng.

Cáo về nhà, biết được điều gì đã xảy ra và rất đau đớn: đau vì các con của mình đã chết không bằng đau vì không trả được thù, vì các con thú rừng không tài nào bắt được chim ưng. Nó chỉ còn biết đứng từ xa mà cất tiếng nguyền rủa kẻ vong tình bội nghĩa kia. Kẻ sức yếu, thế cô thì có thể làm được gì hơn?

Nhưng rồi cũng đến lúc chim ưng phải trả giá cho tình bạn bị nó chà đạp. Một người nào đó đem dê ra đồng để hiến tế. Chim ưng bay đến con vật bị hiến và tha đi bộ lòng bốc khói của nó. Và khi nó chỉ vừa mới tha về đến tổ, một cơn gió mạnh ập đến, những dây bện tổ cũ kỹ mỏng mảnh bốc lửa cháy sáng rực. Những con chim ưng con bị cháy xém rơi xuống đất. Chúng chưa thể bay lên được. Thế là Cáo chạy ra ăn thịt chúng ngay trước mắt chim ưng.

Truyện ngụ ngôn này cho thấy kẻ phản bạn dù có thoát được sự trả thù của người bị xúc phạm nhưng cũng không tránh khỏi được sự trừng phạt của Thượng đế.
Chuyện hai con ngựa

Ngựa Cái ngày đêm không làm lụng gì hết và chỉ tha thẩn trên cánh đồng, còn Ngựa Đực đêm đêm mới được thả đi ăn, ban ngày phải cày đất. Thấy vậy Ngựa Cái mới bảo Ngựa Đực:

- Anh việc gì phải kéo cày? Giá tôi ở địa vị anh thì tôi không có chịu. Chủ mà lấy roi quật tôi, tôi sẽ tung vó đá lại.

Sang ngày hôm sau, Ngựa Đực bèn nghe lời Ngựa Cái. Bác nông dân thấy Ngựa Đực trở nên ương bướng, bèn đóng Ngựa Cái vào vai cày.

Xúi giục kẻ khác làm bậy trước tiên làm hại chính mình.

Có còn hơn không

Người đánh cá quăng chài, kéo lên được chú cá con. Cá van xin được thả ra vì nó còn nhỏ tẹo, đợi khi nó lớn thì người hãy bắt. Nhưng người đánh cá bảo:

- Quả là tao ngốc mới buông tha cho mày khi mày nằm trong tay tao. Thói thường, có ngay được lợi nhỏ, hơn là lợi lớn không chắc chắn.
Con chồn bạch

Chồn Bạch thích người thanh niên đẹp trai, cầu xin Thần Ái Tình biến nó thành cô gái đẹp. Thần bèn hoá thân nó thành một cô gái kiều diễm. Chàng thanh niên thoạt nhìn đã xiêu lòng, dẫn cô gái về nhà. Khi hai người ở trong phòng, Thần Ái Tình muốn biết tình yêu có làm thay đổi tính nết nó không, thần bèn thả chuột ra giữa phòng.

Chồn Bạch quên phắt nó đang ở dạng người vội vồ lấy chuột, cắn xé nó. Thần giận Chồn, bèn cho nó trở lại hình dạng cũ: Có những kẻ bản chất xấu xa, dù đã thay hình đổi dạng, nhưng tâm địa không thay đổi.
Con chuột tinh khôn

Có con mèo ngồi rình những con cá béo mập trong chậu nước trước nhà mà không nghĩ ra cách bắt cá. Bỗng có con chuột mò đến trên thành chậu, ngó vào đáy nước. Quên phắt đi những con cá, Mèo chộp ngay lấy Chuột, định ăn tươi. Chuột quính quá kinh hãi kêu lên:

- Đừng vội giết tôi. Xin câu lên biếu bác con cá béo ngậy thơm ngon hơn thịt chuột nhiều.

Nghe nói đến cá, Mèo chịu buông tha, nhưng vẫn coi chừng Chuột cẩn thận. Chuột khẽ đến bên miệng chậu thò đuôi vào loáy ngoáy trong nước một hồi. Cá ngỡ là trùn, bèn cắn ngay đuôi Chuột, liền bị Chuột quẫy đuôi quăng lên bờ. Vừa lúc đó có tiếng người la:

- Chuột ăn trộm cá.

Mèo bèn chộp ngay Chuột, cắn vào cổ. Còn chủ nhà vừa bắt cá thả vào chậu, vừa lớn tiếng khen:

- Mèo nhà gỏi thật, không có nó thì Chuột đã ăn mất cả rồi!
Cú và chim Gáy

Một con chim Gáy gặp một con Cú Mèo.

Chim Gáy hỏi:

- Chị định đi đâu đó?

Cú Mèo nói:

- Tôi sắp đi sang ở bên hướng đông rồi.

Chim Gáy liền hỏi:

- Tại làm sao chị phải ra đi?

Cú Mèo trả lời:

- Ở đây, thiên hạ ghét tiếng kêu của tôi, nên tôi phải tìm đường sang bên ấy.

Chim Gáy lại nói:

- Hay là chị có thể đổi tiếng kêu của mình được không? Chị không đổi tiếng kêu thì sang bên ấy, thiên hạ nghe tiếng kêu của chị cũng lại ghét bỏ mà thôi. Đâu cũng vậy mà!
- Cứ như ý chị, chi bằng tôi rút cổ, thu cánh lại im lặng suốt đời là khỏi đi đâu.



Đồng cỏ tuyệt vời


Có một anh chàng chỉ quen sống ở đồng cỏ. Một hôm có người bạn đến mời anh ta du ngoạn. Hai người phi ngựa đến bên hồ nước rộng lớn. Anh ta nhìn thấy thảm xanh mênh mông trên mặt hồ, mừng rỡ nói với bạn: "Ôi, một vùng đồng cỏ chưa hề có dấu chân ai, ta phải phi ngựa đi hết thảm xanh này để rồi về đuổi ngựa đến nuôi. Một vùng đồng cỏ thật tuyệt vời!".

Anh bạn liền cười ngăn lại:

- Đây là hồ, trên thảm xanh dưới nước sâu, chứ đâu phải là đồng cỏ. Nghe vậy anh ta nhìn xuống chân mình thì thấy nước trong xanh, in bóng ngựa của hai người. Lúc đó anh ta mới nhận ra là hồ nước.


Gấu, Sư tử và Cáo

Hươu non bị chết tươi vì ăn phải bã độc.

Sư tử và Gấu nhìn thấy xác Hươu liền tranh nhau miếng mồi. Hai con mãi đánh nhau nên không thấy Cáo cũng mò đến. Lợi dụng lúc Sư tử và Gấu không chú ý tới mình, Cáo tha Hươu vào bụi ăn một bữa no rồi ngấm độc ngã lăn ra chết.

Vật nhau một hồi, Sư tử và Gấu không thấy Hươu đâu nữa liền buông nhau đi tìm mới thấy Cáo chết vì thịt Hươu nhiễm độc. Sư tử và Gấu lúc đó mới bảo nhau rằng:

- Đáng đời cho con Cáo láu lỉnh và tham lam kia, nhờ nó mà hai ta khỏi chết.


Heo rừng và Thỏ

Có con Heo rừng đang ăn đêm trong nương khoai thì bị mắc bẫy. Một chân sau của nó bị vòng bẫy treo lơ lửng khỏi mặt đất, nhưng càng giẫy giụa thì vòng bẫy càng thắt chặt vào.

Trời gần sáng rồi.

Bỗng Heo rừng liền giận dữ quay ngoắt đầu lại cắn đứt cái chân sau của nó đang vướng trong bẫy, rồi tập tễnh bước nhanh vào rừng. Một con Thỏ thấy Heo rừng chân cụt đẫm máu, bèn hỏi ra đầu đuôi câu chuyện. Thỏ khen Heo rõ thật là gan.

Heo rừng đáp:

- Có gan góc gì đâu, chẳng qua ở lại đó thì sẽ bị giết thịt, thà mất một chân mà được trả lại với rừng có phải hơn không?


Hươu và Cáo

Một hôm, Hươu gặp lại kẻ thù cũ của nó là con Cáo đang bị mắc bẫy nằm lăn giữa rừng.

Hươu mon men đến gần, giơ cao chân giận dữ nện mạnh cuống đầu Cáo. Thấy Hươu giơ chân, Cáo nhau nhảu né nên tránh được. Vì vậy, chân Hươu giậm phải cần bẫy nên Cáo rút được chân ra.

Cáo chuồn xa khỏi bẫy rồi ngoái lại bảo Hươu:

- Được một kẻ thù ngu ngốc như anh, tôi thật thích như có người bạn tốt.


Không thấy ai cả

Ở nước Tề có anh chàng rất thèm kiếm được vàng. Một hôm, anh ta mặc áo quần, đội mũ tử tế đi đến chợ bán vàng, thừa lúc chủ hiệu sơ ý, anh ta quào hốt một số vàng bỏ túi rồi quay trở về, giữa đường bị quan tuần bắt lại. Quan hỏi anh ta:

- Mọi người ở đó, tại sao anh dám quào hốt cướp số vàng của người ta?

Anh chàng trả lời:

- Khi tôi thò tay quào hốt, thì trước mắt tôi chỉ thấy vàng, ngoài ra không còn thấy ai cả!

Lo trước chắc ăn

Vào những ngày hè, Kiến vừa đi dạo hết cánh đồng vừa thu nhặt các hạt lúa mì, lúa mạch để dự trữ lương thực cho mùa đông. Bọ Rầy thấy thế liền chế giễu Kiến phải làm chi cho cực trong lúc các loài vật khác được nghỉ ngơi vui chơi, đắm say vào các cuộc hội hè. Kiến vẫn cứ lặng thinh làm việc.

Khi mùa đông đến, trời mưa dầm dề, Bọ Rầy không tìm được thức ăn, đói lả, bèn đến hỏi Kiến vay lương thực. Kiến bảo: "Chị Bọ Rầy ạ, giá trước đây chị cứ lo làm, đừng quở trách gì tôi thì bây giờ đâu đến nỗi chị phải chịu ngồi đói meo!".



Câu chuyện nửa cốc nước đầy

Cuộc sống ngổn ngang trăm mối khiến chúng ta đôi khi rơi vào trạng thái stress đầy lo âu và phiền muộn. Cần làm gì để có thể vượt qua những khó khăn này? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một chiếc chìa khoá, hoặc ít nhất qua cách nhìn về tư duy tích cực của tác giả, biết đâu bạn sẽ tìm được chiếc chìa khoá mở cánh cửa Bình an và Hạnh phúc cho riêng mình.
“Hãy nhìn phần nửa đầy của ly nước, thay vì nửa vơi”
Không cần nhờ đến cô hoa hậu hoàn vũ 2005 Natalie Glebova nhắc tới trong đêm chung kết cuộc thi, châm ngôn này và các biến thể của nó vốn dĩ đã khá quen thuộc với chúng ta. Đây chính là một ví dụ sống động và thuyết phục về cách nhìn tích cực một vấn đề. Mặc dù, thực tế nước trong ly chỉ còn một nửa, nhưng người có tư duy tích cực sẽ nhìn vào phần còn của ly thay vì là phần vơi.
Một người thất tình có thể tự dằn vặt bản thân: “Cô ta lừa dối tôi, cô ta phản bội tôi, cô ta lợi dụng tôi”. Nếu là bạn của người đó, tôi sẽ khuyên anh ta hãy học cách quên điều này đi mỗi khi vô tình hoặc cố tình nhớ đến, vì bây giờ nó chỉ là chuyện của cô ta mà thôi. Chuyện của anh là hãy chữa trị nỗi đau mà anh đang phải chịu đựng. Hãy nhìn vào thực tế vấn đề và nếu không đơn giản hóa nó được thì ít ra đừng phức tạp nó thêm. Một người nếu đã rèn được cho mình lối tư duy tích cực sẽ có thể đối mặt với vấn đề này theo cách đại lọai như là: “Thật may mắn vì tôi cũng đã từng có được những tháng ngày hạnh phúc” hoặc “Chúng tôi đã có một thời thật đẹp”.
Tư duy tích cực mang đến sự bình an và thăng hoa cho tâm hồn. Đó là hướng của những người biết cách sống, biết cách yêu thương và biết cách tha thứ cho mình và cho người... Để rồi một ngày khi gặp lại, bạn tôi có thể cười với nàng bằng một nụ cười chúc phúc thay vì ngoảnh mặt đi với sự tức giận vì quá khứ. 
Phân loại tư duy
Người ta thống kê rằng mỗi ngày trí óc ta sản sinh ra khoảng 30.000 đến 50.000 ý nghĩ. Trong con số khá lớn này, liệu có bao nhiêu ý nghĩ là có ích và bao nhiêu đã làm mất năng lượng một cách vô ích? Để phân loại chúng, người ta chia ý nghĩ thành bốn nhóm: 
Tư duy Tích cực: Là những suy nghĩ có lợi không những cho mình mà cho cả người khác như: tự tin, lạc quan, yêu thương, bao dung, đoàn kết… 
Tư duy Tiêu cực: Là những suy nghĩ làm tổn hại đến mình và đến người khác như: tự ti, ganh tỵ, mặc cảm, ích kỷ… “May mà tôi không vớ phải cô ta!” cũng thuộc nhóm câu “Nho trên cành còn xanh lắm!” có lợi cho mình, nhưng không có lợi cho người khác (vì cô ấy đang bị bạn nói xấu). 
Tư duy Lãng phí: Là những suy nghĩ “rác”, nghĩ vơ vẩn về những gì đã qua hoặc chưa đến làm tiêu hao năng lượng và mất thời gian của hiện tại. 
Một thí sinh trong phòng thi mà lại mơ tưởng đến chuyến đi nghỉ sắp tới hay tưởng tượng thầy giám thị tặng cho đáp án thay vì tập trung vào làm bài thì thật là đang tư duy lãng phí. 
Tư duy Cần thiết: Là những suy nghĩ cần thiết về công việc đang phải làm, đang phải giải quyết. Như thầy cô giáo thì phải suy nghĩ về bài giảng, diễn viên suy nghĩ cách nhập vai hay người hùng thì phải nghĩ cách chứng minh điều đó... 
Lối tư duy góp phần quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta.
Tất cả các ý nghĩ sinh ra dù cần thiết hay không, dù tiêu cực hay tích cực thì nó cũng làm ảnh hưởng đến cảm xúc, lời nói và hành động. Và vô hình trung nó cũng sẽ ảnh hưởng hoặc tốt hoặc xấu đến chúng ta tùy theo điểm xuất phát của nó thuộc loại tư duy nào. Mối liên hệ giữa chúng có thể được biểu diễn bằng lược đồ sau:

Sơ đồ tư duy

    
Một ví dụ: Chồng của Ly hôm nay về muộn. Hai cách phỏng đoán sau đây của Ly sẽ mang tới những kết quả trái ngược nhau.
Cách một: Chắc là lại đi uống rượu với bạn bè? Hay đi hẹn hò với cô thư ký? Hay bị tai nạn xe?…
Cơ thể: nét mặt thể hiện sự lo lắng, căng thẳng, lời nói cáu gắt, đứng ngồi không yên, gọi điện cho hàng xóm, bố mẹ, bạn bè và khi chưa có kết quả thì bất an và giận dữ.
Các mối quan hệ: hàng xóm, bố mẹ và bạn bè cũng bị bận tâm và suy nghĩ về vấn đề của gia đình Ly.
Bầu không khí: trong nhà trở nên căng thẳng, bức bối và nặng nề. 
Cách hai: Có lẽ cơ quan có việc đột xuất! Hay gặp gỡ bạn bè để tạo mối quan hệ! Hay về thăm bố mẹ bên ấy!
Chúng ta không bàn về lý do thật sự tại sao chồng Ly về muộn, nhưng rõ ràng là với cách nghĩ tích cực này thì Ly đã không tự tạo một áp lực gì cho mình và cho xung quanh ít nhất là trong khoảng thời gian trước khi chồng về. 
Đó là lý do vì sao chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự tươi vui ấm cúng khi đến những gia đình hạnh phúc ngược lại sẽ thấy khó chịu và ngột ngạt với bầu không khí thường xuyên xung đột, thiếu vắng sự thương yêu.
Hoặc bạn có thể dễ dàng thấy sự ảnh hưởng tâm trí hoàn toàn khác nhau giữa bầu không khí tại một thánh đường, một thiền viện so với bệnh viện hay một nhà lao. 
Nếu nhận thức đúng sự ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của tư duy đối với tự thân và môi trường xung quanh, phải chăng chúng ta cũng cần như các doanh nghiệp uy tín ngày nay, phải cho sản phẩm ý nghĩ qua giai đoạn kiểm tra chất lượng (KCS) trước khi nó thể hiện bằng lời nói và hành động. Cuộc sống sẽ rạng ngời biết bao khi các ý nghĩ của ta đều mang tên “tích cực”. 
Stress và cách giảm thiểu stress bằng tư duy tích cực
Ngược lại với tư duy tích cực, cách suy nghĩ tiêu cực cũng mang lại những hậu quả không nhỏ.
“Tiêu cực” không chỉ gồm những suy nghĩ không có lợi cho mình và không có lợi cho người khác. Một cách nhìn nhận sai lệch quy luật cuộc sống hoặc không dám chấp nhận sự thật cũng có thể được xem là tiêu cực. Chứng STRESS (trầm cảm) chính là một hậu quả điển hình của những các ý nghĩ tiêu cực.
Stress của dây đàn là giai đoạn căng quá mức của nó trước khi bị đứt. Kết quả cuối cùng của sự giải thoát khỏi stress là hoặc là điều chỉnh lại độ căng hoặc là để cho nó đứt. Người không muốn thoát hoặc không biết cách thoát khỏi nó một cách đúng đắn nhất thì có thể gọi là người tiêu cực. 
Áp lực thật nhiều và đa dạng, và hầu hết chúng ta thường cho rằng áp lực là do môi trường hoặc hoàn cảnh đem lại. Nhưng mức độ STRESS do một áp lực tạo ra sẽ là lớn hay nhỏ, trầm trọng hay nhẹ nhàng lại được quyết định phần nhiều bởi cái cách chúng ta “hứng đòn”. Không có tiếng vỗ của một bàn tay, STRESS lớn lên khi chúng ta không còn đủ năng lượng (sức mạnh nội tâm) để đáp trả cái gọi là “áp lực” trong cuộc chiến đấu mà chúng không hiểu đối thủ là ai. 
Vì vậy mức độ Stress mà một người phải chịu đựng có thể được xác định bằng công thức sau:

Stress

Nhìn vào công thức trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng mình có thể giảm STRESS cho bản thân nếu giảm được áp lực phải gánh chịu và tăng sức mạnh nội tâm. 
Chúng ta có thể giảm bớt hoặc loại bỏ một số áp lực về quá khứ hay về tương lai chẳng hạn. Nhiều những chuyện không hay đã qua rồi nhưng chúng ta vẫn ôn đi ôn lại để rồi cảm thấy ray rức, hối tiếc hay thù hận đến mức không muốn hoặc không thể thoát ra được. Và với tương lai cũng vậy… 
Các bạn tôi nói rằng những điều tôi vừa chia sẻ đều là lý thuyết. Đúng là như thế! Vậy thì hãy vận dụng nó để xây dựng cuộc sống đẹp và chất lượng hơn. Vấn đề còn lại là thời gian và sự chiêm nghiệm cuộc sống của từng người. Trong thời gian chờ đợi đến khi chúng ta ngộ ra và sống hết mình bằng những loại tư duy đều mang tên “tích cực”, tôi xin chia sẻ với các bạn một phương pháp giảm STRESS bằng “Nguyên tắc 
S.O.S ” sau đây:
S.O.S
Khi không thích một kênh truyền hình nào đó đang xem thì chúng ta sẽ làm gì? Sẽ chuyển sang kênh khác hoặc là tắt đi. Khi trên đường gặp một vụ kẹt xe? 
Chúng ta sẽ dừng lại, quan sát xem chuyện gì đang xảy ra, nếu có thể qua được thì chúng ta sẽ tiếp tục đi về phía trước, nếu không thì quay lại hay tìm một con đường khác. Hãy xử lý tương tự như thế với STRESS. Luôn ghi nhớ rằng bạn luôn có ít nhất một chọn lựa khác. Hãy dừng lại, tạm thời tách mình ra khỏi mớ rối rắm đó, quan sát trên tầm rộng hơn, thoáng hơn, khách quan và lạc quan hơn. Cuối cùng là chọn lựa, hành động và sẵn sàng chịu trách nhiệm với sự chọn lựa đó. 
Ngoài ra tôi cũng xin mách nhỏ với các bạn một phương pháp để tăng sức mạnh nội tâm để có thể “chiến đấu tốt” với áp lực bên ngoài đó là luyện tập yoga và thiền định. Những bài tập Yoga sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cân bằng tâm lý, tự tin và yêu đời hơn. Và Thiền định là một bước cao hơn, khi bạn tập Yoga đến mức thuần thục thì Thiền định là một bước tiến cuối cùng mà các Yogi không thể bỏ qua. Thiền định sẽ giúp bạn tự chủ hơn, mở rộng cánh cửa yêu thương trong tâm hồn và tiến gần đến chân lý sống. Tuy nhiên tôi vẫn mong bài viết này không có ý nghĩa gì với các bạn cả vì điều đó có nghĩa là các bạn đang sống thực sự hạnh phúc và hoàn toàn tích cực theo công thức riêng của mình.
Mr.Chemistry (sưu tầm)


10 câu nói bất hủ của Bill Gate


Mặc dù đã về hưu ( tháng 7 năm 2008) thế nhưng cho đến năm nay ông vẫn là người giàu nhất nước Mỹ với khối tài sản hơn 60 tỷ đô la. Trước khi về hữu vị cực chủ tịch Microsoft này đã đưa ra 10 lời khuyên dành cho các bạn thanh niên trên con đường lập nghiệp. Tôi và cả bạn nữa nên thuộc 10 lời khuyên này để có thể biết đâu chúng ta sẽ là Bill Gate của Việt Nam ^
1. Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó.

2. Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, trước khi có được những thành tựu thì bạn đừng nên quá chú trọng hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình lên.
3. Thường thì bạn sẽ không thể trở thành CEO nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học. Nhưng khi bạn đã trở thành một CEO thì không còn ai để ý là bạn mới chỉ có tốt nghiệp trung học nữa.
4. Khi bạn gặp khó khăn hay bế tắc trong công việc thì đừng có oán trách số phận. Điều bạn học được khi gặp trắc trở chính là kinh nghiệm và bài học để lần sau không bao giờ mắc phải nữa.

5. Nên hiểu một điều rằng: Trước khi có bạn, bố mẹ bạn không phải là những người “chán ngắt, vô vị” như bạn của ngày hôm nay đã nghĩ. Đây chính là cái giá rất lớn mà bố mẹ đã phải trả cho sự trưởng thành của bạn.
6. Khi đi học, bạn đứng thứ mấy trong lớp cũng không phải là vấn đề quan trọng. Nhưng khi đã bước chân ra xã hội thì mọi việc lại không đơn giản như vậy.  Dù đi đâu hay làm công việc gì bạn cũng nên tạo đẳng cấp cho mình.

7. Khi đi học, bạn luôn mong chờ đến ngày nghỉ lễ, Tết. Khi đi làm thì hoàn toàn không giống vậy, dường như là bạn sẽ không được nghỉ ngơi. Công việc sẽ cuốn bạn đi bất cứ lúc nào kể cả ngày nghỉ.
8. Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp. Đơn giản nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì và sẽ nhanh chóng thất nghiệp, hơn nữa lúc này sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.

9. Mọi người đều thích xem phim truyền hình, nhưng bạn không nên xem nhiều vì đó không phải là cuộc sống của bạn. Vì công việc ở công ty mới phản ánh cuộc sống thực của bạn.

10. Không bao giờ phê bình người khác sau lưng của họ, đặc biệt đừng bao giờ phê phán sếp là người không có năng lực, điều này là không đúng.

Chú bé đã trở thành một lĩnh cứu hỏa thực thụ


Cúi xuống chiếc giường bệnh viện, người mẹ trẻ 26 nhìn đứa con xắp phải chết vì chứng bạch cầu. Dù lòng trĩu nặng buồn phiền, chị vẫn có khả năng đi tới một quyết định hệ trọng. Như mọi bậc cha mẹ, chị hẳn muốn con mình lớn lên và thực hiện những giấc mơ của nó. Nhưng chuyện đó không còn khả hữu nữa. Chứng bạch cầu không cho phép điều đó. Nhưng chị vẫn muốn những giấc mơ của đứa con trai chị được thực hiện.
Chị nắm bàn tay cậu bé và bảo với cậu " Bopsy, con có tự hỏi con thích làm gì khi con lớn không? Con có mơ ước và nghĩ còn sẽ làm gì trong đời không?"
" Mẹ, con luôn mong được làm đội viên cứu hỏa khi con lớn"
Người mẹ mỉm cười và đáp: " Hãy xem chúng ta có thể làm gì để giấc mơ của con được thực hiện".  Sau đó chị tới đồn cứu hỏa gần nhất nơi chị gặp anh đối viên cứu hỏa Bob, một người đàn ông có trái tim lớn như thành phố Phoenix. Chị nói vói anh về giấc mơ của con trai chi và hỏi anh có thể đưa đứa con sáu tuổi của chị đi một vòng trên chiếc xe cứu hỏa không?
Anh đội viên cứu hỏa đáp: " Xem nào, chúng ta có thể làm hơn thế. Chị hãy thu xếp để con chị được sẵn sàng vào bảy giờ tháng thứ tư và chúng ta sẽ biến cậu thành một đội viên cứu hỏa danh dự trọn ngày.Cậu có thể tới đồn, ăn với chúng tôi, cùng chúng tôi trả lời tất cả những tín hiệu báo động cùng mọi thứ khác! Và nếu chị cho chúng tôi biết vóc dáng của cậu, chúng tôi sẽ đặt may cho cậu một bộ đồng phục và một mũ cát của đội viên cứu  hỏa, một mũ cát đúng nghĩa với biểu hiệu của lính cứu hỏa của thành phố Phoenix trên đó, và cậu có thể mặc một cái áo vải dầu màu vàng như của chúng tôi và mang giày bốt cao su. Tất cả đều được sản xuất tại thành phố Phoenix này, do đó có thể nhanh chóng có được chúng."
Ba ngày sau, anh đội viên cứu hỏa Bob đến tìm Bopsy, mặc cho cậu bộ đồng phục của đội viên cứu hỏa và hộ tống cậu từ bệnh viện tới chiếc xe cứu hỏa có cái thang lớn đang đợi họ và tới lúc phải cho xe chạy trở lui để về ga ra cậu đã giúp tài xế trong việc điều khiển chiếc xe. Cậu sung sướng như được lên mây. Ngày hôm đó có 3 tín hiệu báo động có cháy tại thành phố Phoenix và Bobsy trả lời cho ba tín hiệu cấp cứu. Cậu bước lên 3 chiếc xe khác nhau, lên chiếc xe con của nhân viên y tế, và cả xe của đội trưởng. Đài truyền hình địa phương cũng đã thu hình cậu trên video dành cho bản thông tin buổi chiều.
Việc mọi người giúp cậu thực hiện giấc mơ của cậu với tất cả tình yêu và sự chăm chút đã gây xúc động sâu xa cho Bobsy, đến nỗi cậu dã sống thêm 3 tháng, điều mà không một vị bác sĩ nào tin có thể xảy ra.
Một đêm nọ, mọi dấu hiệu sự sống nơi cậu suy sụp nhanh chóng. Trung thành với truyền thống của bện viện theo đó không người nào được chết cô đơn, bà y tá trưởng đã gọi dây nói cho những thành viên của gia đình đến bện viện. Sau đó bà nhớ tới cái ngày mà Bobsy đã sống qua trong tư cánh một đội viên cứu hỏa, và bà hỏi ông đội trưởng có thể nào gửi một đội viên cứu hỏa tới bên Bobsy trong lúc này không. Ông đội trưởng đáp " Chúng tôi có thể làm hơn thế. Chúng tôi sẽ có mặt tại đó trong năm phút. Bà có thể giúp chúng tôi một chuyện không? Khi chúng tôi đến với còi hụ, bà vui lòng báo cho mọi người biết là không có hỏa hoạn gì cả, Đây chỉ là những người lĩnh cứu hỏa tới thăm một người của họ lần cuối cùng. Và xin bà hãy cho mở cửa sổ phòng cậu ấy giùm. Cám ơn!"
Khoảng 5 phút sau, một chiếc xe cứ hỏa tới bệnh viện, cho thang lên tới tầng ba và 16 lĩnh cứu hỏa trong số đó có 2 phụ nữ leo lên thang và vào phòng Bobsy  qua cửa sổ. Được phép của mẹ cậu, họ ôm cậu, hôn cậu và nói với cậu rằng họ rất đỗi yêu cậu.
Trong mọt hơi thở cuối cùng, Bobsy nhìn ông đội trưởng của những người lính cứu hỏa và nói: " Ông đội trưởng, giờ đây cháu đúng là một đội viên cứu hỏa phải không?"
" Đúng thế, Bobsy" Ông đội trưởng đáp!
Bobsy mỉm cười với những từ đó và nhắm mắt lần cuối
Nguồn: 
http://vuminhduy.com/vmd/index.php/mi-ngay-mt-nim-vui/133-chu-be-a-tr-thanh-mt-lnh-cu-ha-thc-th

Cho và nhận


Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kì cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát.

Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông thấy 1 căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.

Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở 1 góc tối, có 1 cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Tất cả trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm nước, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có 1 giọt nước nào chảy ra cả.

Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy 1 cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nuớc trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào chiếc bình này”.

Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào 1 tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất - rất nhiều nước.

Ông cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nườc vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không......

Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước váo cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần ….chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa …. nước mát và trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.

Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đưòng như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm 1 câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận.”




THỜI THƠ ẤU MẠNH TỬ
Theo Liệt Nữ Truyện, năm Mạnh Kha lên 3 tuổi, đã mồ côi cha, nhà nghèo, ở gần nghĩa địa tại chân núi, thấy người ta đào chôn xác chết, lăn khóc, về nhà cậu bé Mạnh Kha cũng bắt chước đào chôn, lăn khóc.
Bà mẹ của Mạnh Kha là Chương thị (về sau gọi là Mạnh mẫu) thấy thế thì nói:
- Chỗ nầy không phải là chỗ cho con ta ở được.
Nói rồi, Bà dọn nhà ra ở gần chợ. Mạnh Kha thấy người ta buôn bán đảo điên, thêm bớt tiền nong, thì cậu bé Mạnh Kha về nhà cũng bắt chước nô nghịch một cách đảo điên như người ở chợ. Mạnh mẫu thấy thế lại nói:
- Chỗ nầy cũng không phải là chỗ cho con ta ở được.
Bà liền dọn nhà đến ở cạnh một trường học. Cậu bé Kha thấy trẻ nhỏ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, tập đọc tập viết. Về nhà cậu bé Kha cũng bắt chước tập lễ phép và cắp sách vở. Bấy giờ Mạnh mẫu mới vui lòng nói:
- Chỗ nầy con ta ở được.
Một hôm, cậu Kha thấy nhà hàng xóm giết heo làm thịt, về hỏi mẹ: - Người ta giết heo làm gì thế?
Mạnh mẫu nói đùa: - Để cho con ăn thịt đấy.
Nói xong Bà lại hối rằng: Ta nói lỡ lời rồi. Con ta còn thơ ấu, trí thức mới mở mang, mà ta nói dối với nó thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối hay sao? Rồi Mạnh mẫu ra chợ mua thịt heo đem về làm cho con ăn thật.
Lại một hôm, Mạnh Kha đi học, bỗng bỏ về nhà chơi. Mạnh mẫu đang ngồi dệt vải trông thấy bèn đứng dậy, kêu con lại rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng:
- Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải nầy mà cắt đứt bỏ đi.
Từ hôm đó, cậu bé Mạnh Kha không dám bỏ học, lại học tập rất chuyên cần, học mỗi ngày một tiến, lại hay tập việc tế lễ.




Bắt trộm một con gà mỗi tháng
Đái Anh, một viên quan ở nước Tống thời Xuân Thu, ra quyết định giảm thuế. Ông hỏi Mạnh Tử, “Ta muốn giảm thuế. Mà chúng ta không có đủ kinh phí để giảm thuế nhiều như ta mong muốn. Ngươi nghĩ sao nếu chúng ta năm nay giảm ít và chờ đến năm sau mới giảm thuế đầy đủ?” Mạnh Tử nói, “Có một người hay ăn trộm một con gà bên hàng xóm mỗi ngày. Người ta nói với anh ta rằng, "Đây không phải là điều mà một người có đạo đức nên làm. "Vậy thì tôi sẽ ăn trộm ít gà hơn" Anh ta trả lời, "Tôi sẽ chỉ ăn trộm một con gà mỗi tháng và năm sau tôi sẽ không ăn trộm bất cứ một con nào nữaKhi anh ta biết anh ta làm sai, anh ta cần phải dừng lại ngay. Sao phải chờ đến tận năm sau?
Bắt trộm một con gà mỗi tháng”, câu tục ngữ nhắc nhở những người biết rằng mình đang làm sai mà lại không sửa ngay. Đôi khi việc này rất khó, nhưng khi chúng ta nghĩ đến câu tục ngữ đơn giản này, có thể những suy nghĩ phức tạp của chúng ta sẽ trở nên đơn giản và chúng ta có thể tìm được con đường để biến thói quen tiêu cực trở thành một kinh nghiệm để học tập sau này.


Sức mạnh của lời nói

Một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Tất cả các con ếch còn lại trong bầy đều bu quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con ếch rằng chúng chỉ còn nước chết mà thôi.

Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, rằng chúng chỉ còn nước chết.

Sau cùng, một con ếch phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong sự tuyệt vọng.

Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và thét lên khuyên nó hãy thôi. Nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh và hỏi nó: "Anh không nghe tụi tôi nói gì hay sao?". Thì ra con ếch này bị nặng tai. Nó tưởng cả bầy ếch đã động viên nó suốt khoảng thời gian vừa qua. 


Có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng.

Do đó, hãy cẩn thận với những gì chúng ta nói ra. Bất kỳ người nào cũng có thể nói những lời hủy diệt để cướp đi tinh thần của những người đang ở trong hoàn cảnh khốn khó. Quý báu thay là Những ai dành thì giờ để động viên và khích lệ người khác.



A Friend... định nghĩa qua 24 chữ cái...


(A)ccepts you as you are - Chấp nhận con người thật của bạn.

(B)elieves in "you" - Luôn tin tưởng bạn.

(C)alls you just to say "HI" - Điện thoại cho bạn chỉ để nói "Xin chào".

(D)oesn't give up on you - Không bỏ rơi bạn.

(E)nvisions the whole of you - Hình ảnh của bạn luôn ở trong tâm trí họ.

(F)orgives your mistakes - Tha thứ cho bạn mọi lỗi lầm.

(G)ives unconditionally - Tận tụy với bạn.

(H)elps you - Giúp đỡ bạn.

(I)nvites you over - Luôn lôi cuốn bạn.

(J)ust "be" with you - Tỏ ra "xứng đáng" với bạn.

(K)eeps you close at heart - Trân trọng bạn.

(L)oves you for who are - Yêu quí bạn bởi con người thật của bạn.

(M)akes a difference in your life - Tạo ra khác biệt trong đời bạn.

(N)ever judges - Không bao giờ phán xét.

(O)ffers support - Là nơi nương tựa cho bạn.

(P)icks you up - Vực bạn dậy khi bạn suy sụp.

(Q)uiets your tears - Làm dịu đi những giọt lệ của bạn.

(R)aises your spirits - Giúp bạn phấn chấn hơn.

(S)ays nice things about you - Nói những điều tốt đẹp về bạn.

(T)ells you the truth when you need to hear it -Sẵn sàng nói sự thật khi bạn cần.

(U)nderstands you - Hiểu được bạn.

(W)alks beside you - Sánh bước cùng bạn.

(X)-amines your head injuries - "Bắt mạch" được những chuyện khiến bạn "đau đầu".

(Y)ells when you won’t listen - Hét to vào tai bạn mỗi khi bạn không lắng nghe.

(Z)aps you back to reality - Và thức tỉnh bạn khi bạn lạc bước.